|

Dhammacetiya

Theo Dấu Chân Phật Bút Ký – Ngày 75

Ngày 24 tháng 2, 2023
 
Trước khi nhập diệt Đức Phật truyền dạy rằng:
 
“Yo vo Ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā…”
 
– Này Ānanda! Chánh pháp nào mà Như Lai đã thuyết, Luật nào mà Như Lai đã chế định, sau khi Như Lai tịch diệt Niết-bàn rồi, Chánh pháp ấy, Luật ấy là vị Tôn sư của các con.
 
Trong Chú giải bài kinh Mahāparinibbānasutta giải thích rằng:
 
Dhammo: Chánh pháp gồm có toàn bộ Tạng Kinh Pāḷi và toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp Pāḷi.
 
Vinayo: Luật đó là toàn bộ Tạng Luật Pāḷi.
 
Giáo pháp mà Đức Phật Gotama đã thuyết giảng suốt 45 năm, kể từ khi trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama cho đến khi Đức Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn gom lại thành Tam Tạng Pāḷi: Tạng Luật Pāḷi, Tạng Kinh Pāḷi, Tạng Vi Diệu Pháp Pāḷi gồm có 84.000 pháp môn.
 
Vào canh chót, Đức Phật một lần nữa nhắc nhở khuyên dạy các hàng thanh-văn đệ-tử lần cuối cùng rằng:
 
“Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo, vaya-dhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha.”
 
– Này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Bây giờ Như-Lai nhắc nhở, khuyên dạy các con lần cuối cùng rằng:
 
Các pháp hữu vi (ngũ-uẩn) có sự diệt là thường. Các con hãy nên cố gắng tinh tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh đế bằng pháp không dễ duôi, thực hành pháp hành Tứ Niệm Xứ. (Tài liệu trích từ quyển Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp)
 
Nói xong lời di huấn cuối cùng này, Đức Phật nhắm mắt, nhập vào các tầng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền sắc giới và các tầng thiền vô sắc giới. Đoạn, Đức Phật lần lượt ra khỏi các tầng thiền. Kế đến Ngài lại nhập từ sơ thiền đến tứ thiền sắc giới. Từ trong tứ thiền thâm sâu tịch mặc, không thấy một dấu hiệu gì, như một làn gió nhẹ đi qua, biệt tăm, Ngài đi vào vô dư y, tịch diệt Niết-bàn (Parinibbāna).
 
Ngay thời khắc ấy, đại địa chấn động, rung động, sấm trời chớp giật điện quang, hoa sālā bỗng dưng rơi rụng đầy đất, đầy rừng. Chư vị tỳ-khưu đa văn đã được nghe giảng nói, rằng là, đây là điềm báo triệu khi một đức Chánh Đẳng Giác ra đi, là một trong tám nhân, tám duyên, là hiện tượng tự nhiên liên hệ với định luật tâm, định luật pháp.
 
Thấy biết như thế nào thì mặc dầu, nhưng khi bậc Đại Giác chợt nhiên vắng bóng trên thế gian, có người bàng hoàng, ngơ ngác, có người an tĩnh, điềm nhiên cũng là lẽ thường.
 
Đại phạm thiên Sahampati có vẻ thấy rõ sự thật khi thốt lên bài kệ: “Chúng sanh ở trên đời. Từ bỏ thân ngũ uẩn. Bậc Đạo Sư cũng vậy. Đấng Tuyệt Luân trên đời. Bậc Đại Hùng Giác Ngộ. Như Lai đã diệt độ”.
 
Còn thiên chủ Sakka, là một thánh đệ tử:
 
“Các hành là vô thường.
Có sanh phải có diệt.
Đã sanh, chúng phải diệt.
Nhiếp chúng là an lạc”.
 
Tôn giả Anuruddha là bậc thánh vô lậu: “Không phải thở ra vào. Chính tâm trú chánh định. Không tham ái tịch tịnh. Sa-môn hướng diệt độ. Chính tâm tịnh bất động. Nhẫn chịu mọi cảm thọ. Như đèn sáng bị tắt. Tâm giải thoát hoàn toàn”.
 
Tôn giả Ānanda do chỉ mới vào dòng:“Thật kinh khủng bàng hoàng. Thật râu tóc dựng ngược. Khi bậc Thiện Toàn Năng. Bậc Giác Ngộ nhập diệt”.
 
Thế là cả rừng cây sālā, người, gió, cành lá… chợt trở nên lao xao không còn yên tĩnh nữa. Dù nhiều vị tỳ-khưu đã Nhập Lưu rồi nhưng vẫn tuôn trào cảm xúc, không làm chủ được mình. Có vị la to lên, hét to lên ai cũng nghe: “Mặt trời mặt trăng tắt rồi. Con mắt thế gian tối đen rồi!” Có vị lặng lẽ sụt sùi, lẩm bẩm: “Hai vị thượng thủ ra đi, bây giờ lại thêm Tôn Sư ra đi nữa, có sự trống vắng thê lương nào hơn hoàn cảnh hiện nay chứ! Ôi! buồn quá!”
 
Tôn giả Anuruddha thấy khu rừng như nhuốm màu tang tóc, ngài đứng lên, nói giọng lớn, khuyên nhủ mọi người:
 
– Thôi, chư hiền giả cùng cận sự hai hàng! Chư vị chớ có sầu não, chớ có khóc than nữa. Phải chăng chư vị không biết, nghe lời dạy bảo của đức Thế Tôn? Và câu nói cuối cùng của đức Đạo Sư là gì? Là “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”. Chư hiền giả có còn nhớ không? (Trích từ Đức Phật Niết Bàn, CẢ ĐÊM, RỪNG SĀLĀ KHÔNG NGỦ,
Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
 
Kusinārā, nơi xảy ra những sự kiện trên cuối cùng cũng đã xuất hiện trước mặt Tăng đoàn, chúng tôi cùng nhau nhiễu Phật và cúng dường Y lên tôn tượng của Ngài. Tôn tượng Đức Bổn Sư được sơn màu vàng và tôn trí bên trong một ngôi Tháp. Nhìn đôi chân sưng vù của Ngài được tạc trên tôn tượng mà không kìm được cảm xúc. Những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lòng cảm thấy hạnh phúc, may mắn khi ta có mặt trên cõi đời này, được thừa hưởng kho tàng Pháp Bảo và đi theo bước chân của Ngài để lại. Càng bùi ngùi xúc động hơn khi bản thân đã từng bước đi trên dặm trình sương gió Theo Dấu Chân Phật. Tìm lại con đường cổ xưa, tìm lại chính mình. Những cảm nhận sâu sắc và chân thật này đã đánh động tâm tôi khi đặt chân đến thánh địa Kusinārā.
 
Tăng đoàn đã bộ hành qua những Thánh tích như Bồ Đề Đạo Tràng nơi thành Đạo, Varanasi nơi chuyển Pháp Luân, Lumbini nơi đản sanh và cuối cùng là Kusinārā nơi nhập diệt. Đoạn đường phải dùng hơn hai tháng đầy gian truân trắc trở với biết bao nhiêu bệnh duyên khó lường để đến được đây. Thế nhưng Đức Phật đã dùng chính đôi chân của Ngài trong suốt 45 năm sau khi thành Đạo, rày đây mai đó để tế độ chúng sanh hữu duyên không ngừng nghỉ thì còn gian truân trắc trở đến dường nào.
 
Sau khi nhập diệt, Ngài tiếp tục để lại cho chúng sanh một kho tàng vô giá mà khắp chốn nhân thiên đều hưởng được sự lợi ích. Vì lòng tôn kính và tưởng niệm ân đức của Ngài, nên bảo Tháp tưởng niệm và thờ Xá Lợi của Ngài đã được xây dựng sau khi nhập diệt. Bảo tháp bị tàn phá theo thời gian kể từ lúc bắt đầu xây dựng, trải qua thời gian lâu dài, khu thánh tích bị chôn vùi dưới lòng đất, ngày nay được khai quật và trùng tu để cho hàng tứ chúng chiêm bái, đảnh lễ.
 
Nằm phía sau tháp Niết Bàn, bảo tháp tôn trí Xá Lợi cao 45 mét, chu vi 80 mét tượng trưng cho 80 tuổi và 45 năm hoằng Pháp độ sanh của Đức Phật. Chung quanh hai Bảo Tháp là những nền móng cũ bằng gạch xoay quanh cuộc đời Đức Phật đã được trùng tu.
 
Lễ Phật xong, trước khi trở lại chỗ nghỉ, tôi bất ngờ gặp những vị Tăng, Ni và Phật Tử thân quen đi hành hương. Tại quê cha đất tổ không hẹn mà gặp, quả là một thiện duyên to lớn. Chư vị cũng được gặp trực tiếp Āloka tại đây bằng xương bằng thịt, chứ không còn xem qua hình ảnh hay đọc những bài Bút Ký nữa.
 
Nói đến Āloka, trải qua những ngày bị bệnh, đêm nào cũng ói mửa, nước mũi chảy ròng khọt khẹt cả đêm. Tôi mang Āloka đi hết bác sĩ này đến bác sĩ kia, và cứ thế bệnh viện lớn nhỏ gì cũng đè chú ra mà chích. Cho đến những ngày tại Kusinārā, đưa Āloka đi một bệnh viện lớn cách xa đoàn 70km, chụp x-ray chân và mình thì phát hiện xương chân bị chấn thương, phổi bị viêm nặng. Lại nữa, Āloka tiếp tục bị chích thêm vài mũi và uống thuốc, nên Āloka đã khỏe hơn nhiều.
 
Vào những ngày trước đó, tuy bệnh nặng nhưng vẫn không chịu đi xe. Sau khi đưa chú lên xe và đoàn rời đi một đoạn xa thì có một vị Sư đi nhanh đến kêu tôi, “Bhante! Bhante! Āloka has jumped out of the truck and is walking.”
 
Tôi vội vàng quay ngược lại đón chú, rồi cứ thế chú lỏn tỏn từng bước nặng nề đi theo sau lưng tôi. Hình ảnh đó vị nào thấy cũng cảm thương cho một chú chó đầy nghị lực và kiên cường trên hành trình Theo Dấu Chân Phật này.
 
Cuối cùng, cầu mong cho tất cả chư đại chúng và chư thí chủ được an lạc trong ánh hào quang của Đấng Từ Phụ. Có chánh kiến, trí tuệ tu tập sớm ngày vượt thoát bờ mê sang bến giác.
 
 

#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney

 

Nguồn: Dhammacetiya

#sbsstupas