Giới Thiệu Về Tam Tạng Kinh Điển
Tam tạng Pāḷi bao gồm tất cả những lời giáo huấn và những điều chế định của Đức Phật trong suốt 45 năm kể từ khi trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama cho đến trước khi Đức Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn. Trong Tam tạng Pāḷi (Tipiṭakapāḷi) không chỉ có những lời giáo huấn của Đức Phật, mà còn có những lời của các hàng thanh văn đệ tử, chư thiên, chư phạm thiên,… được Đức Phật nhắc lại hoặc xác nhận cũng xem như là lời giáo huấn của Đức Phật.
Tam Tạng Pāḷi gồm có 3 Tạng:
– Tạng Luật Pāḷi (Vinaya Piṭaka)
– Tạng Kinh Pāḷi (Sutta Piṭaka)
– Tạng Vi diệu pháp Pāḷi (Abhidhamma Piṭaka)
1- Tạng Luật Pāḷi (Vinaya Piṭaka)
Tạng Luật Pāḷi gồm có 5 bộ, là những lời răn dạy của Đức Phật. Đức Phật đã ban hành những điều giới tỳ khưu, tỳ khưu ni, những pháp hành tăng sự, những điều cho phép và những điều không cho phép, những việc nên làm và những việc không nên làm, v.v…
2- Tạng Kinh Pāḷi (Sutta Piṭaka)
Tạng Kinh Pāḷi là tạng gồm có nhiều bài kinh, bài kệ mà Đức Phật đã thuyết giảng, cũng có một số bài kinh, bài kệ có lời của chư Thánh A-ra-hán, chư thiên, chư phạm thiên, Đức vua, Sa-môn, Bà-la-môn, … trong các bài kinh ấy. Những bài kinh, bài kệ ấy được Đức Phật nhắc lại hoặc xác nhận thì xem như lời dạy của Đức Phật.
3- Tạng Vi diệu pháp Pāḷi (Abhidhamma Piṭaka)
Tạng Vi diệu pháp Pāḷi gồm những chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) cao siêu, vi diệu, là những pháp có thật tánh rõ ràng như: thiện pháp (kusaladhamma), bất thiện pháp (akusaladhamma), không phải thiện pháp, không phải bất thiện pháp (abyākatadhamma), …
Những pháp ấy được phân chia ra là ngũ uẩn, 12 xứ, 18 tự tánh, … tâm (cittā), tâm-sở (cetasikā), sắc pháp (rūpā), Niết-bàn (Nibbāna), thuộc về chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, … chỉ là những thật tánh pháp mà thôi.
Trưởng Lão Hộ Pháp