TẠNG

VI DIỆU PHÁP

(Abhidhammapiṭaka)

Thắng Pháp (Abhidhamma, A-tỳ-đàm, Vi Diệu Pháp) là tạng thứ ba của Tam Tạng. Đây là một bộ sưu tập đồ sộ với các giáo lý của Đức Phật, được sắp xếp một cách có hệ thống, được lập bảng và phân loại, đại diện cho tinh hoa của Giáo Pháp của Ngài. Abhidhamma có nghĩa là giảng dạy cao hơn hoặc giảng dạy đặc biệt; đặc biệt trong tính chất trừu tượng, cách tiếp cận phân tích, phạm vi rộng lớn và thuận lợi cho sự giải thoát.

 

Phật Pháp chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Nhưng trong các bài giảng của tạng Kinh, Đức Phật giảng dạy tùy mức độ trí tuệ của thính giả và thành tựu của họ trong các ba-la-mật. Do đó, Ngài giảng Pháp bằng các từ ngữ thông thường (vohāra vacana), nói về người và vật như tôi, chúng ta, anh ấy, chị ấy, đàn ông, đàn bà, con bò, cây cỏ, v.v. Nhưng trong Thắng Pháp, Đức Phật không dùng những từ đó; Ngài giảng Pháp với các thuật ngữ về thực tại tối hậu (paramattha sacca, chân đế). Ngài phân tích mọi hiện tượng qua các thành phần tối hậu. Tất cả các khái niệm tương đối như con người, núi non, v.v. được thu về các thành phần tối hậu rồi sau đó được định nghĩa chính xác, phân loại và sắp xếp một cách có hệ thống.

 

Do đó, trong Thắng Pháp, mọi thứ đều được thể hiện dưới dạng khandha, năm uẩn của sự hiện hữu; āyatana, năm cơ quan cảm giác và tâm (căn, xứ), và các đối tượng cảm giác tương ứng của chúng (cảnh, trần); dhātu, các yếu tố (giới); indriya, quyền (lực); sacca, sự thật cơ bản (đế); v.v. Các đối tượng khái niệm tương đối như đàn ông, đàn bà, v.v. được giải quyết thành các thành phần cuối cùng của khandha, āyatana, v.v. và được xem như một hiện tượng tâm vật lý, được quy định bởi nhiều yếu tố khác nhau và có tính vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).

 

Khi giải quyết tất cả các hiện tượng thành các thành phần tối hậu một cách phân tích (như trong bộ Pháp Tụ – Dhammasaṅganī, và bộ Phân tích – Vibhaṅga), Thắng Pháp tổng hợp lại bằng cách xác định các mối quan hệ liên kết (paccaya, duyên hệ) giữa các yếu tố cấu thành khác nhau (như trong bộ Vị Trí – Paṭṭhāna). Do đó, Thắng Pháp tạo thành một công trình đồ sộ về các kiến thức liên quan đến các thực tại tối hậu, trong phạm vi rộng lớn, vĩ đại, tinh tế và sâu sắc của nó, trong lĩnh vực trí tuệ của Đức Phật.

Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), cuốn sách đầu tiên của Thắng Pháp, và bộ Vị Trí (Paṭṭhāna), cuốn cuối cùng, là hai cuốn quan trọng nhất trong bảy cuốn của Thắng Pháp, cung cấp như là cốt tử tinh hoa của Thắng Pháp.

 

Pháp Tụ liệt kê tất cả các pháp (dhamma, hiện tượng) nghĩa là, tâm (nāma) và tâm sở (cetasika), và sắc (rūpa). Sau khi liệt kê những hiện tượng, chúng được sắp xếp dưới những tiêu đề khác nhau để làm rõ bản chất chân thực chức năng và quan hệ hổ tương cả nội giới (trong ta) và ngoại giới của chúng.

Cuốn thứ hai của Tạng Thắng Pháp – Bộ Phân Tích (Vibhanga) cùng với cuốn thứ nhất, Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī) và cuốn thứ ba, Bộ Chất Ngữ (Dhātukathā), hình thành một nền tảng có liên quan hệ chặt chẽ cho sự hiểu biết sâu sắc và thích hợp Giáo Lý của Đức Phật. Trong lúc Dhammasaṅgaṇī có đôi mắt chim nhìn thấy toàn cảnh của các nhóm Tam Mẫu Đề, Nhị Mẫu Đề với sự sắp đặt có hệ thống hơn dưới những tiêu đề được phân loại, Vibhanga và Dhātukathā giới thiệu cận cảnh của phần được chọn lọc trong những nhóm đó giới thiệu chi tiết tỉ mỉ hơn.

 

Như vậy, Koṭṭhāsa Vāra trong Dhammasaṅgaṇī giải thích cái gì và bao nhiêu āyatana (xứ), dhātu (giới), āhāra (thực), indriya (quyền), jhānanga (thiền chi), v.v. được kể trong Nhóm Tam Mẫu Đề và Nhị Mẫu Đề. Nhưng nó không cung cấp tin tức hoàn tất về pháp nầy. Chính Phân Tích Bộ cung cấp kiến thức đầy đủ về chúng, kể ra bản chất đích thực của mỗi pháp, những thành phần và mối quan hệ của nó đối với những pháp khác.

 

 

Bộ Phân Tích được chia thành 18 chương, mỗi chương đề cập đến phương diện đặc biệt của Pháp, phân tích và điều tra đầy đủ vào mỗi thành phần. Sự sắp đặt và liệt kê thành nhóm và tiêu đề theo hệ thống tương tự như trong Bộ Pháp Tụ. Do đó, Bộ Phân Tích (Vibhanga) được xem như là chú giải của Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī).

Chất Ngữ (Dhātukathā), một chuyên luận nhỏ được viết dưới dạng giáo lý, thảo luận về tất cả các hiện tượng tồn tại với tham chiếu đến ba loại, uẩn (khandha), xứ (yatana) và giới (dhātu).

 

Dù cuốn thứ ba của tạng Thắng Pháp là một luận thuyết nhỏ, nó được xếp cùng hai cuốn đầu tiên hình thành tam thuyết quan trọng, phải được tiêu hoá kỹ để hiểu đầy đủ Thắng Pháp. Vibhanga, cuốn thứ hai, có một chương hoàn toàn dành để phân tích các dhātu, nhưng chủ đề của dhātu quá quan trọng đến nỗi luận thuyết riêng biệt nầy dành cho nó sự quan tâm thấu đáo hơn. Phương pháp phân tích ở đây khác hẳn với phương pháp được dùng trong Vibhaṅga

 

Dhātukathā nghiên cứu cách các pháp được liệt kê trong Tam Mẫu Đề và Nhị Mẫu Đề của Mātikā liên quan đến ba phạm trù khandha (uẩn), āyatana (xứ) dhātu (giới). Những phạm trù nầy được thảo luận trong 14 cách nghiên cứu phân tích bao gồm 14 chương của Dhātukathā.

 

Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), một chuyên luận nhỏ đưa ra mô tả về nhiều loại cá nhân khác nhau tùy theo giai đoạn thành tựu của họ trên con đường tu tập.

 

Thắng pháp quan tâm chính đến việc nghiên cứu các sự thật trừu tượng bằng những thuật ngữ tuyệt đối. Nhưng khi diễn tả các pháp trong những phương diện khác, nó không thể chỉ sử dụng thuật ngữ tuyệt đối. Rõ ràng thuật ngữ quy ước của ngôn ngữ hằng ngày phải được sử dụng có quy ước; loại thứ nhất liên quan đến những thuật ngữ diễn tả các pháp thực sự tồn tại trên thực tế và loại thứ hai mô tả những pháp không tồn tại trên thực tế.

Ba cuốn sách đầu tiên của Thắng Pháp điều tra sự thật tuyệt đối của trong một hệ thống có kế hoạch của việc phân tích chi tiết dụng những thuật ngữ như Khandha (uẩn), Āyatana (xứ), Dhātu (giới), Sacca (đế), Indriya (quyền).

 

Những thuật ngữ này chỉ những biểu thị để diễn đạt những vật có tồn tại và do đó được xếp vào loại như là sử dụng quy ước của loại thứ nhất. Đối với loại sử dụng quy ước thứ hai thuộc về việc diễn đạt như đàn ông, đàn bà, cá nhân, v.v. chúng không tồn tại trên thực tế, nhưng dĩ nhiên là thiết yếu để truyền thông tư tưởng.

 

Do đó, nó trở nên cần thiết để phân biệt hai loại sự thật rõ ràng này. Nhưng như những thuật ngữ Khandha, Āyatana, Dhātu, Sacca Indriya có liên hệ tỉ mỉ trong ba cuốn đầu, chúng chỉ đề cập ngắn gọn ở đây. Những thuật ngữ được dùng trong loại thứ hai liên hệ đến những cá nhân được đề cập nhiều hơn và kỹ hơn trong luận thuyết nầy; do vậy tựa của nó là Puggalapaññatti, sự chế định của mỗi cá nhân. Những loại cá nhân khác nhau, cách liệt kê chúng được dùng trong Tăng Chi Bộ Kinh.

Ngữ Tông (Kathāvatthu), do Trưởng lão Moggaliputta biên soạn. Ngài là vị chủ trì Hội nghị Kết tập III (trong thời vua A-dục). Trong bộ này, ngài thảo luận và bác bỏ giáo thuyết của các trường phái khác để thanh lọc các điểm tranh cãi về Phật Pháp.

 

Kathāvatthu, như Puggalapaññatti, nằm ngoài hệ thống thông thường của Thắng Pháp. Nó không đề cập đến bản chất khó hiểu của pháp. Nó liên quan chủ yếu đến những tà kiến như “Người tồn tại, Ngã tồn tại, Linh Hồn tồn tại” – nổi bật ngay trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế hay những tà kiến như “A-la-hán rớt khỏi quả vị A-la-hán” nổi lên sau khi Đức Phật Niết Bàn.

 

Khoảng 218 năm sau khi Phật Niết Bàn có tất cả là 18 phái, tất cả đều tuyên bố là những giáo lý của Đức Phật. Trong số này chỉ có Thượng Tọa Bộ thực sự là chính thống, trong lúc đó những phái còn lại đều phạm tội ly giáo. Hoàng đế Asoka bắt đầu thanh lọc và sa thải những phần tử không trong sạch ra khỏi Tăng đoàn với sự hướng dẫn và trợ giúp của Trưởng Lão Moggaliputta Tissa đã đắc A-la-hán. Dưới sự chỉ đạo của ngài, Tăng đoàn tổ chức hòa hợp Lễ Bát Quan Trai mà nó không được tổ chức trong bảy năm qua vì sự bất hòa chia rẽ và sự hiện diện của những Tỳ khưu giả mạo trong Tăng đoàn.

 

Ở hội nghị đó, Đại Đức Moggaliputta Tissa giải thích những quan điểm và viết ra năm trăm lời tuyên bố chính thống và năm trăm lời tuyên bố của những quan điểm khác; một ngàn lời tuyên bố nầy được một ngàn vị trưởng lão tham gia Hội Nghị Kết Tập Tam Tạng lần thứ ba trùng tụng, để hình thành Thắng Pháp Tạng.

Song Đối (Yamaka), được xem là một chuyên luận về logic ứng dụng trong đó quy trình phân tích được sắp xếp theo từng cặp đôi.

 

Dhammasanganī, Vibhaṅga và Dhātukathā khảo sát Pháp và phân loại chúng như chúng tồn tại trong thế giới thực tại, gọi là Sankhāraloka (Hành Giới), Puggalapaññatti và Kathāvatthu liên hệ đến chúng sanh và những nhân cách cũng tồn tại trong thế giới riêng của thực tại rõ ràng gọi là Sattaloka (Chúng Sanh Giới). Nơi pháp của Hành Giới và chúng sanh của Chúng Sanh Giới cùng tồn tại có tên là Okāsaloka (Hiện Giới). Yamaka bắt đầu định nghĩa và phân tích sự tương quan của các pháp và những nhân cách khi chúng tồn tại trong tam giới này.

 

Cuốn này được hoàn thành trong dạng câu hỏi đôi vì vậy có tên là Song Đối (Yamaka). Tiến trình thuận của chuyển đổi (anuloma) và tiến trình nghịch (patiloma) được áp dụng để quyết định việc hoàn tất quy nhập và giới hạn của một từ trong mối tương quan của nó với những pháp khác. Bản chất lập lờ của một từ (samsaya) được tránh nhờ chỉ rõ, bằng sự sắp đặt những câu hỏi được cân nhắc đặc biệt như thế, những nghĩa khác của từ không thích hợp như thế nào.

 

Những cặp song đối sau đây có thể được lấy làm ví dụ.

 

Đối với câu hỏi ‘Có phải tất cả các vật chất có thể được gọi là Sắc Uẩn (Rūpakkhandha) không?’ Câu trả lời là ‘vật chất cũng được dùng trong những diễn đạt như ‘bản chất đáng yêu’ (piya rūpa), của bản chất như thế (eva rūpa), nhưng ở đó không có nghĩa là Sắc Uẩn (Rūpakkhandha).

 

Nhưng đối với câu hỏi ‘Có phải tất cả Sắc Uẩn (Rūpakkhandha) được gọi là vật chất không? Câu trả lời là ‘phải’, bởi sắc uẩn là thuật ngữ rất rộng và gồm cả những thuật ngữ như piya rūpa, eva rūpa, v.v.

Vị Trí (Paṭṭhāna), một chuyên luận đồ sộ cùng với bộ Pháp Tụ, bộ đầu tiên, tạo thành tinh hoa của tạng Thắng Pháp. Đây là một nghiên cứu chi tiết tỉ mỉ về học thuyết duyên hệ, dựa trên hai mươi bốn điều kiện hoặc duyên hệ (paccaya).

 

Paṭṭhāna là cuốn thứ bảy và cuốn cuối của Thắng Pháp, được gọi là Mahā Pakārana – ‘Đại Bổn’, tuyên bố địa vị chiếm giữ tối cao và đỉnh cao tuyệt vời nó đạt được trong việc điều tra truy cứu của bản chất tuyệt đối của tất cả các pháp trong Vũ Trụ.

 

Dhammasaṅganī liệt kê tất cả các pháp nầy và tuyên bố chúng dưới những nhóm Tam Mẫu Đề và Nhị Mẫu Đề. Vibhaṅga phân tích chúng để chỉ những pháp chứa trong những phạm trù chính của khandha, āyatana, dhātu, v.v.. Dhātukathā nghiên cứu mối tương quan của các pháp được liệt kê trong Mātikā với mỗi bộ phận cấu thành của những phạm trù chính nầy của khandha, āyatana dhātu. Song Đối (Yamaka) quyết định tính mơ hồ, lưỡng nghĩa của mối quan hệ trong và ngoài (nội ngoại) của mỗi pháp. Paṭṭhāna hình thành cuốn cuối Thắng Pháp đem lại tất cả những mối quan hệ như thế trong hình thức cùng hợp tác để chỉ rằng tất cả các pháp không tồn tại như những tại biệt nhưng chúng tạo thành một hệ thống có sắp xếp tốt trong đó đơn vị nhỏ nhất duyên những đơn vị còn lại của nó và cũng duyên trở lại.