|

Dhammacetiya

Theo Dấu Chân Phật Bút Ký – Ngày 74

Ngày 23 tháng 2, 2023
 
[Thế rồi] cả rừng cây sālā cũng trở nên trầm mặc, dường như chúng cũng cảm nhận được thời khắc linh thiêng, trọng đại. Rồi đột nhiên, có cái gì rùng rùng chuyển động và có cái gì siêu nhiên tác động mà cả rừng cây sālā bỗng trổ hoa trái mùa, từng chồi, từng nhánh vươn dài ra, đầy gốc, đầy thân, hoa bung nở, ngào ngạt hương. Lát sau, cánh hoa rơi rụng trên y áo của đức Phật và phủ nhẹ lên thân ngài. Cả mấy trăm vị tỳ-khưu ngơ ngác ngắm nhìn hoa rơi, đầy người, đầy rừng. Lát sau nữa, nhạc trời réo rắt, bay bổng như hằng ngàn giai điệu cùng hợp tấu từ hư không đổ tràn xuống. Lại có một loại hoa lạ lùng nhiều sắc màu, lấp lánh sắc màu, từng đợt, từng đợt, nhẹ nhàng chao lượn giữa rừng cây rồi như đồng loạt phủ quanh chỗ nằm của đức Tôn Sư. Và rồi, bột hương không biết từ đâu, lấp lánh bụi vàng thơm nồng nàn cũng đồng rơi xuống, rải vàng khắp nơi… Dường như người, trời, thiên nhiên, ai cũng muốn cúng dường đức Phật trong giờ khắc nghiêm kính linh thiêng này…
 
Rất đông chư vị thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Cho đến mười hai do tuần xung quanh Kusinārā, Upavattana, rừng sālā thuộc dòng họ Mallā, không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc, một hạt cải mà không đứng đầy những thiên thần có uy lực tụ họp. (Trích từ Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt, Tập 6)
 
Khi ấy, Đức Phật truyền dạy Ngài Trưởng lão Ānanda rằng:
 
– Này Ānanda! Hai cây sāla trổ hoa trái mùa, những đóa hoa rơi xuống xung quanh kim thân của Như Lai, để cúng dường Như Lai. Những cây hoa trong rừng đều nở rộ, những đóa hoa trời, hương trời từ các cõi trời rơi xuống, những tiếng nhạc trời từ các cõi trời cũng trỗi lên để cúng dường Như Lai.
 
– Này Ānanda! Sự cúng dường đến Như Lai bằng phẩm vật như vậy không gọi là cách cúng dường cao thượng.
 
– Người nào là tỳ-khưu hoặc tỳ-khưu-ni, hoặc cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ, là người thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả, Niết-bàn, thực hành đúng theo pháp hành Bát Chánh Đạo, thực hành đúng theo chánh pháp, người ấy được gọi là người có lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường Như Lai bằng cách cúng dường cao thượng.
 
Vào lúc canh chót đêm ấy, Đức Phật sắp tịch diệt Niết-bàn, Ngài Trưởng lão Ānanda đang còn là bậc Thánh Nhập-lưu, nên Ngài tủi thân, lánh ra một nơi vắng vẻ đứng khóc, than vãn:
 
“Ta còn là bậc Thánh Nhập-lưu cần phải thực hành pháp hành thiền tuệ để dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh-đế, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh đạo, A-ra-hán Thánh quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, nhưng Đức Phật là Đức Tôn Sư của ta sắp tịch diệt Niết-bàn.”
 
Khi ấy, Đức Phật không thấy Ngài Trưởng lão Ānanda, nên truyền hỏi chư tỳ-khưu rằng:
 
– Này chư tỳ-khưu! Ānanda đang ở đâu?
 
Chư tỳ-khưu bạch rằng:
 
– Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài Trưởng lão Ānanda lánh ra một nơi vắng vẻ đứng khóc, than vãn vì tủi thân. Bạch Ngài.
 
Đức Phật truyền bảo một vị tỳ-khưu gọi Ngài Trưởng lão Ānanda đến hầu Đức Phật.
 
Ngài Trưởng lão Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Phật truyền dạy Ngài Trưởng lão Ānanda rằng:
 
– Này Ānanda! Như Lai đã từng dạy rằng:
 
Sống xa lìa nhau, chết biệt ly với những người thân yêu, các bậc kính mến ấy. Đó là sự thật hiển nhiên.
 
Vì vậy, những người thân yêu, các bậc kính mến ấy làm sao lại có thể chiều theo ý muốn của mình được.
 
Những pháp nào đã sinh rồi, hiện hữu rồi, do nhân duyên cấu tạo rồi, chắc chắn có sự diệt, sự hủy hoại là thường, dù có mong muốn rằng:
 
– Xin pháp ấy đừng diệt, đừng hủy hoại cũng không thể nào được.
 
– Này Ānanda! Con là một thị giả tận tụy phục vụ Như Lai với tâm từ được biểu hiện bằng thân, khẩu, ý. Đó là sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, bồi bổ đầy đủ các pháp hạnh ba-la-mật rồi.
 
– Này Ānanda! Con nên cố gắng tinh tấn, chắc chắn con sẽ diệt tận được mọi phiền não trầm luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán một cách nhanh chóng.
 
Chú Giải đề cập nguyên nhân Đức Phật chọn nơi nhập diệt.
 
Tuy có nhiều xứ lớn, kinh thành lớn, nhưng Đức Phật không chọn làm nơi tịch diệt Niết-bàn của Đức Phật, mà chọn Kusinārā vì có 3 lý do:
 
1- Trong quá khứ, Kusinārā là một kinh thành rộng lớn có tên là kinh thành Kusāvatī, có Đức Chuyển luân Thánh vương Mahāsudassana trị vì bốn châu thiên hạ. Nếu Đức Phật tịch diệt Niết-bàn nơi khác, thì không có lý do thuyết bài kinh Mahāsudassanasutta.
 
Vì vậy, Đức Phật chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết-bàn để Đức Phật có cơ hội thuyết bài kinh Mahāsudassanasutta. Chúng sinh lắng nghe bài kinh này sẽ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, cố gắng tinh tấn thực hành mọi thiện pháp.
 
2- Đạo sĩ Subhadda là người đệ-tử cuối cùng của Đức Phật, hiện đang ở tại xứ Kusinārā. Ngoài Đức Phật ra, không có vị Thánh Thanh văn đệ tử nào có khả năng tế độ Đạo sĩ Subhadda được.
 
Vì vậy, Đức Phật phải ngự đến xứ Kusinārā để tế độ đạo sĩ Subhadda, bậc thanh văn đệ tử cuối cùng của Đức Phật Gotama.
 
Vị tỳ-khưu Subhadda sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trước khi Đức Phật tịch diệt Niết-bàn.
 
3- Đức Phật biết rõ rằng:
 
Sau khi nghe tin Đức Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, làm lễ hỏa táng xong, các nước lớn sẽ kéo đến tranh giành Xá Lợi của Đức Phật.
 
Đức Phật thấy rõ, biết rõ chỉ có vị Bà-la-môn Doṇa là người có khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải các sứ giả từ các nước lớn và biết cách phân chia các Xá Lợi cho mỗi xứ thỉnh đem về xây Bảo tháp tôn thờ Xá Lợi.
 
Vị Bà-la-môn Doṇa hiện đang ở tại xứ Kusinārā, nên Đức Phật quyết định chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết-bàn. (Tài liệu trích từ quyển Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật Giáo – Tỳ Khưu Hộ Pháp)
 
(Xem tiếp phần sau)
 
 

#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney

 

Nguồn: Dhammacetiya

#sbsstupas