Ngày 17 tháng 2, 2023
Theo thông lệ của chư Phật, lúc về thăm quyến thuộc, các ngài không đi thẳng về nhà mà đều theo hạnh trì bình khất thực – nên Ngài báo cho tôn giả Sārīputta hay biết. Thế rồi, với đại y màu san hô vắt vai, bát đá đen tuyền cầm tay, đức Phật như sư tử chúa lông vàng dẫn đầu hơn năm trăm vị tỳ-khưu thánh Tăng đi vào trung tâm thành phố. Cứ lần lượt con đường này sang con đường khác, từ cửa nhà này sang cửa nhà khác, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn… Lần đầu tiên, kinh thành Kapilavatthu như bừng sáng lên bởi đoàn sa-môn mà họ đã được nghe tin truyền từ chiều hôm trước! Vị giáo chủ sáng lập tôn giáo mới ấy là đức Phật – nghe nói chính là thái tử Siddhattha nhân đức, thân yêu của họ! Miệng truyền miệng, tai truyền tai, không mấy chốc, cả kinh thành như lên cơn sốt! Những đôi mắt tò mò, ngạc nhiên. Những tụm năm tụm bảy chỉ trỏ, bàn tán. Thế là họ đồng kéo ra xem rồi thành kính đặt bát cho đức Phật và đoàn sa-môn!
Đức vua Suddhodāna nghe quân hầu báo tin, vừa giận, vừa thương – tức tốc lên cỗ xe tứ mã ra khỏi hoàng cung. Đến con đường lớn, đức vua nhìn thấy đoàn sa-môn như con rồng vàng uốn lượn xa mút mắt, và đức Phật với dáng dấp cao to, uy nghi, trang nghiêm từng bước một đi đầu như chúa phượng hoàng! Bất giác, đức vua sinh tâm kính trọng! Bao nhiêu sự phẫn nộ ở trong lòng chợt như bị nguội tắt. Bước về phía đức Phật, nhà vua cung tay chào lịch sự nhưng lại mở giọng như hờn, như trách:
– Dầu sao, thái tử vẫn được xem như là đức vua của nước này! Chẳng lẽ nào cả ta và cả hoàng tộc không lo nổi cho thái tử một bữa cơm, lại đi xin ăn lang thang như kẻ đầu đường xó chợ như thế? Sao thái tử nỡ làm tổn thương hoàng tộc như thế? Làm nhục nhã truyền thống vương triều như thế?
Đức Phật dừng chân lại, mỉm cười:
– Không phải vậy đâu, phụ vương! Như Lai không hề làm tổn thương hoàng tộc và làm nhục vương triều! Đi trì bình khất thực trước cửa mọi nhà chính là truyền thống, dòng dõi của Như Lai!
Đức vua dịu giọng, nhưng vẫn giữ ý mình:
– Dòng dõi Sākya là dòng dõi của những vị chiến sĩ anh hùng – ta chưa hề thấy một ai trong truyền thống ấy lại nhục nhã đi xin ăn như thế!
– Phụ vương! Đức Phật mềm mỏng nói – Truyền thống, dòng dõi Sākya anh hùng thì không ai làm như thế; nhưng đây là truyền thống của chư Phật ba đời! Rồi ngài giảng giải – Tất cả mọi người trong giáo pháp này đều phải đi xin ăn. Khi nhận một muỗng cháo, một vá cơm từ người nghèo khổ – hay một món ăn thượng vị của bậc đế vương – các vị sa-môn khất sĩ đều xem trọng như nhau! Trong đôi mắt xanh trong suốt của vị tỳ-khưu, tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, quý tiện! Một bà-la-môn, một sát-đế-lỵ, một vệ-xá, một thủ-đà-la hay cả một chiên-đà-la nô lệ đều là con người, đều có nhân phẩm, phẩm giá, giá trị giống nhau! Và ai cũng có khả năng giác ngộ, giải thoát!
Nghỉ hơi một chút – đức Phật ra dấu thị giả Nāgita ôm bát theo sau, tôn giả Sārīputta cùng đi với ngài; tôn giả Mahākassapa, tôn giả Kāḷudāyi hướng dẫn đoàn sa-môn tản ra các con đường để khất thực, sau đó về công viên Nigrodhārāma đợi ngài – còn đức Phật nắm tay vua cha, đi bộ về cung điện, vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện – Phụ vương thấy không, xã hội chúng ta quá chênh lệch về tài sản, chẳng đồng đẳng về quyền lợi; kẻ thì quá đói nghèo, bần khổ, người thì quá giàu sang, xa xỉ. Sự phân biệt và kỳ thị giai cấp đã tạo nên hố sâu ngăn cách – đã làm cho biết bao nhiêu con người không còn giữ được giá trị con người nữa! Giáo pháp mà Như Lai đã khai sáng, chứng ngộ – lấy con người làm trọng tâm và tất cả đều bình đẳng. Như vậy, đi xin ăn qua cửa mọi nhà, không phân biệt – là phương pháp tu tập của tất thảy sa-môn từ ngàn trước đến ngàn sau! Khi đi trì bình như thế, họ khiêm nhu và vắng lặng, họ chánh niệm và tỉnh giác, họ vô sản và bần hàn, họ vô ngã và vô mạn, họ thong dong và siêu thoát! Ngoài ra, họ còn tạo cơ hội cho mọi người mở rộng tấm lòng, ai cũng có thể bố thí, cúng dường gieo duyên với giáo pháp. Làm được như thế là đem lại hạnh phúc, an vui cho mình và cho người! Các giá trị nhân văn và nhân bản ấy – cái mỹ học tuyệt vời ấy – đáng lý ra, phụ vương nên đem áp dụng vào đường lối chính sách của vương triều, tôn trọng giá trị nhân phẩm của con người vì bình đẳng, vì tình thương, vì hạnh phúc cho muôn dân mới phải!
Nghe đến ngang đây, cơ duyên chín muồi, đức vua Suddhodāna chứng quả Nhập lưu, cảm thấy tâm trong, trí sáng, có đức tin bất động, mọi hoài nghi tiêu sạch – ông cúi xuống, khiêm cung, hoan hỷ thỉnh mời đức Phật về hoàng cung độ thực. Cứ như thế sau những lần Đức Phật khai thị thì Đức Vua chứng đắc quả vị Nhập Lưu, Nhất Lai. Còn di mẫu Gotamī chứng quả Nhập lưu, Thất lai, tức là Tu-đà-hoàn quả (Sotāpatti)!
Còn công nương Yasodharā thì vẫn nghẹn ngào bên trong hậu cung không biết phải đối diện với Phật thế nào. Đức Phật hiểu rõ tâm ý của Yasodharā nên Ngài đi đến ngồi trên bảo tọa đã được sắp đặt sẵn – Yasodharā mặc tấm sarī màu vàng trăng, chẳng châu báu điểm trang, chẳng hoa hương lòe loẹt – từ hậu cung, đi bằng hai đầu gối, đến bên chân Phật, quỳ úp mặt vào bàn chân bụi của ngài, khóc ròng rã. đức Phật cứ để yên vậy. Một lát sau, khi biết những giọt nước mắt đã trôi đi những cảm xúc lâu ngày dồn nén lại, đức Phật dịu dàng nói:
– Này Yasodharā! Này Gopā! Như Lai vẫn không khác xưa lắm đâu! Như Lai vẫn là con người cũ đó thôi! Nhưng bây giờ, tâm Như Lai thanh tịnh hơn, trí Như Lai quang rạng hơn! Như Lai đã tìm ra giá trị vĩnh hằng của cuộc sống – mà đã một thời, chúng ta, các ông hoàng, đã cùng nhau thao thức, đã cùng nhau trăn trở! Bây giờ, Như Lai là hiện thân cho cái gì vừa ở bên trong cuộc đời này – mà vừa ở bên ngoài và bên trên cuộc đời này nữa, để cứu độ nhân sinh! Do vậy, Như Lai không còn sống cho riêng mình, mà là sống vì hạnh phúc và an vui cho chúng sanh ba giới bốn loài! Này Gopā! Là bậc trí, là kẻ cùng chung vui khổ với Như Lai, cùng chung hạnh nguyện ba-la-mật với Như Lai, Gopā phải cần biết như thế!
Được lời như cởi mở tấm lòng, Yasodharā lau ráo lệ. Hoàng hậu Gotamī trìu mến nhìn công chúa rồi ca tụng công đức của nàng:
– Từ lúc thái tử ra đi, công chúa vô cùng sầu muộn, như mất một bảo vật trân quý nhất ở trên đời; tuy nhiên nàng vẫn giữ được sự tự chủ hiếm có. Niềm an ủi lớn nhất của công chúa chính là trẻ Rāhula! Khi nghe thái tử sống đời tu sĩ, lang thang không cửa, không nhà, công chúa đã tự vứt bỏ châu báu điểm trang, chỉ quàng tấm sarī màu trắng dị giản! Khi nghe thái tử sống đời khổ hạnh, công chúa cũng bắt đầu từ bỏ vật thơm, dầu thoa, giường cao, chăn ấm; chỉ gối cây, nằm đất và mỗi ngày chỉ dùng một ít vật thực vào buổi trưa! Biết bao vương tôn, hoàng thân, công tử giàu sang, hào hoa, quý phái xứng đôi, vừa lứa tìm đến nhăm nhe dạm hỏi, công chúa đều từ chối không tiếp! Khi nghe thái tử đã đắc thành quả Phật, đắp y vàng dẫn đầu đoàn sa-môn thanh tịnh về thăm quê hương – thì công chúa cũng quàng tấm sarī màu vàng! Thế đấy, không những công chúa có đức hạnh vẹn toàn – mà còn biết cảm thông, chia sẻ với thái tử trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày xa cách, biệt ly!
– Mẫu hậu đừng nói nữa – Yasodharā chợt nói rồi đi đến bên cạnh bà – Thái tử bây giờ đã là một vị Phật rồi, chẳng có gì mà vị Phật lại không biết!
– Phải đấy, Gopā! Chẳng có gì mà Như Lai không biết! Và Như Lai còn biết nhiều hơn thế nữa! Rồi ngài quay sang, như nói chuyện với đức vua và hoàng hậu Gotamī – Gopā là thế đấy, không những bây giờ, mà đã từ vô lượng kiếp trước, từ thời đức Phật Dīpaṅkāra rồi trải qua hai mươi bốn vị Chánh Đẳng Giác – nàng luôn chính đính, đoan trang, tiết hạnh, thủy chung; chia vui, sẻ buồn; không ngừng giúp đỡ Như Lai, nâng đỡ Như Lai, khuyến khích Như Lai trên đường tấn tu đạo nghiệp!
Nói thế xong, đức Phật vén bức màn quá khứ:
Trích từ Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt 2
(Xem tiếp phần sau…)
#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney
Nguồn: Dhammacetiya