|

Dhammacetiya

Theo Dấu Chân Phật Bút Ký – Ngày 67

Ngày 16 tháng 2, 2023
 
Vào một ngày trời nắng nhẹ, gió xuân phơi phới mát lành, trăm hoa nở rộ khắp nơi. Đức Phật và chư tỳ-khưu Tăng năm trăm vị, lên đường bộ hành từ Rājagaha trở về Kapilavatthu phải ngược lên phía Tây bắc, đạp qua sông Gaṅgā – tại thị trấn Pāṭaligāma – rồi theo con đường thương buôn, trọn lộ trình xa chừng sáu mươi do-tuần.
 
Tôn giả Kāḷudāyi và trên mười vị tỳ-khưu dòng tộc Sākya – đã đắc quả A-la-hán – đón tiếp đức Phật trước chín mười ngày đường. Đến Kapilavatthu, đức Phật bảo với Kāḷudāyi là chưa nên đi vào kinh thành mà hãy để cho ngài và hội chúng tỳ-khưu tạm trú tại Nigrodhārāma (Ni-câu-luật viên) – tức là rừng đa cổ thụ ở phía Đông nam kinh thành, có nhiều cây to bóng mát – mà trước đây các đạo sĩ, du sĩ thường hay lui tới.
 
Đức vua Suddhodāna, triều đình và con cháu dòng tộc Sākya đã hay tin nên đồng đến Nigrodhārāma để đón tiếp. Tuy nhiên, vốn bản tính ngã mạn đã thành nề, các vị cao niên trưởng lão của dòng tộc, nghĩ rằng: “Dẫu là ông Phật, ông thánh chăng nữa thì vị sa-môn kia cũng chỉ thuộc vai con vế cháu mà thôi!” Do vậy, họ chỉ đứng yên hoặc lựa ngồi một chỗ nào đó ở phía sau, bảo những người nhỏ tuổi đến đằng trước để chào đón. Hướng tâm đến [họ], đức Phật hiểu tất cả, nhưng ngài lại bước đến phía đức vua Suddhodāna:
 
– Phụ vương!
 
– Thái tử!
 
Trao bình bát cho vị thị giả là tỳ-khưu Nāgita, đức Phật nắm chặt hai bàn tay khô gầy của vua cha. Đã gần tám năm xa cách, đức vua tuy có già hơn nhưng vẫn còn tinh anh, quắc thước. Nhìn những giọt nước mắt trôi chảy lặng lẽ xuống đôi gò má nhăn nheo của vua cha, đức Phật rất thương cảm, nhưng ngài đã làm chủ cảm xúc – trao gởi một cái nhìn vô cùng dịu dàng và ấm áp! Riêng nhà vua thì cảm nhận rất rõ rằng, con ngài bây giờ không còn là thái tử Siddhattha thuở xưa nữa, mà đã là một đại sa-môn cao quý, một bậc lãnh tụ tinh thần vĩ đại, đã vượt cao, vượt xa, vượt trên nhân thế, không còn bị giới hạn trong sự thông tục của đời thường. Bất giác, đức vua cúi đầu xuống, thành kính chắp tay theo phong cách, mỹ tục của một quốc vương lúc diện kiến một bậc chân sư, một đạo sư, một giáo chủ!
 
Đức Phật thấy thái độ trí thức của vua cha, ngài rất hài lòng; và muốn để tăng trưởng đức tin ấy, đồng thời nhằm cảm hóa, nhiếp phục tính kiêu căng của hoàng tộc – ngài liền bay lên giữa hư không, tạo một con đường bằng ngọc nằm vắt từ Đông sang Tây rồi đi kinh hành qua lại. Lát sau, đức Phật sử dụng một loại thần thông bất khả tư nghị, hóa phép yamaka pāṭihāriya – có nghĩa là “hai thần lực song song” – làm cho nước và lửa cùng một lúc phát sanh từ lỗ chân lông; rồi hai tia sáng xanh và đỏ tỏa ra ngời ngời như hai tia điện chớp chói mắt hội chúng. Hiển lộng thần oai xong, đức Phật đáp xuống chỗ bảo tọa đã soạn sẵn, ngồi đoan nghiêm, thanh tĩnh!
 
Thấy thần thông kỳ diệu của đức Phật, đức vua Suddhodāna mọc ốc cả toàn thân, niềm tin phát khởi, và một lần nữa, ông xác nhận cái điều mà ông đã nghĩ: Quả thật, con ta bây giờ không còn là thái tử đương triều nữa – mà đúng là thần oai của một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác như mọi người đã xưng tán, tôn vinh! Nghĩ thế xong, bất giác, đức vua quỳ xuống đảnh lễ rồi thốt lên rằng: “Đây là lần thứ ba, phụ vương đảnh lễ con đây!” Cả triều đình, dòng tộc Sākya lớn nhỏ, sợ hãi, quỳ lạy theo!
 
Tôn giả Sārīputta ở bên cạnh đức Phật, còn tôn giả Moggallāna, lúc ấy, đang ở Trúc Lâm tịnh xá – cách xa sáu mươi do-tuần – nhưng cả hai tâm ý tương thông, muốn trợ duyên cho đức Thế Tôn dễ dàng khai hóa hoàng tộc; đồng một lúc, như chỉ trong cái nháy mắt, đã như hai đám mây vàng rực, bay lên giữa hư không, đồng một lúc, đáp xuống bên phải và bên trái – năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài rồi cùng thưa rằng:
 
– Bạch đức Tôn Sư! Muốn trở thành một đức Chánh Đẳng Giác thì phải tu tập như thế nào? Phải trải qua thời gian công hạnh ba-la-mật như thế nào?
 
Biết dụng tâm của hai vị đại đệ tử, đức Phật bèn cất giọng phạm âm với tám tuyệt hảo, thuyết một thời pháp nói về Phật tông (Buddhavaṃsa); tức là gốc nguồn, hành trạng của chư Phật! Muốn thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác phải trải qua bảy a-tăng-kỳ phát nguyện ở trong tâm, chín a-tăng-kỳ phát nguyện thành lời; bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp thực hành mười ba-la-mật trải qua hai mươi bốn vị Phật. Rồi đức Phật cũng kể tóm tắt nhưng đầy đủ hành trạng của hai mươi bốn vị Phật ấy: Phật Dīpaṅkāra, Phật Koṇḍañña, Phật Maṅgala, Phật Sumana, Phật Revata, Phật Sobhita, Phật Anumodassī, Phật Paduma, Phật Nārada, Phật Padumuttara, Phật Sumedha, Phật Sujāta, Phật Piyadassī, Phật Atthadassī, Phật Dhammadassī, Phật Siddhattha, Phật Tissa, Phật Phussa, Phật Vipassī, Phật Sikhī, Phật Vessabhū, Phật Kakusandha, Phật Koṇāgamana, Phật Kassapa. Và chính ngài là vị Phật thứ hai mươi lăm, có danh hiệu là Sākya Gotama! Trong vô lượng kiếp trôi lăn sinh tử ấy, chính ngài có năm kiếp làm đạo sĩ, chín kiếp làm tỳ-khưu, năm kiếp làm cư sĩ, hai kiếp làm long vương, một kiếp làm Sakka, một kiếp làm nguyên soái Dạ-xoa, một kiếp làm vua sư tử – đã được chư Phật thọ ký với tên tuổi, quê quán, dòng tộc, hành trạng hiển nhiên, minh bạch như thế nào! Rồi còn có vô lượng kiếp mê mờ, như đi giữa sương mù, xuống lên, chìm nổi giữa ba cõi, sáu đường, thật không tính xuể!
 
Thời pháp của đức Phật, lạ lùng làm sao, lại có rất nhiều chư thiên chứng quả Nhập lưu, còn hội chúng thì như được mở hé một chân trời vi diệu nhưng không ai chứng đắc gì! Ngay khắc ấy, một trận mưa bất ngờ tuôn đổ xuống. Một trận mưa đỏ như màu máu. Một trận mưa lạ lùng: Đức Phật, chư thánh Tăng, những người bắt đầu có đức tin thì khô ráo; còn những ai kiêu căng, ngã mạn thì ướt như chuột lột! Mọi người bàn tán sôi nổi. Đức Phật thuyết thêm một thời pháp nữa, kể lại kiếp áp chót làm người, thái tử Vessantara, đã bố thí bất nghịch ý với năm đại thí như thế nào – sau mười hai năm lưu đày, trở lại làm vua, giữa hội chúng thân thuộc, cũng có một trận mưa như thế – nhưng là một trận mưa bảy báu ngập tràn cung điện! Sau kiếp người, sanh làm thiên tử Setaketu ở cung trời Tusita, hết tuổi thọ mới giáng sanh vào lòng mẹ Mahāmāyā, vua cha Suddhodāna, dòng tộc Sākya, kinh đô Kapilavatthu… để hoàn thiện công hạnh của một bậc Chánh Đẳng Giác!
 
Trích từ Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt 2
 
(Xem phần tiếp theo…)

 
 

#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney

 

Nguồn: Dhammacetiya

#sbsstupas