Những cơn mưa đầu Xuân dẫu có làm chậm bước chân của đoàn Tăng lữ, có khiến cho bệnh tình ngày càng thêm trở nặng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục để cuộc hành trình không bị gián đoạn. Và, dẫu có ra sao thì cũng chẳng sao! Vẫn một lòng son sắt không gì có thể lay chuyển được chúng tôi Theo Dấu Chân Phật.
Sổ và Āloka cũng bị ướt mèm như chúng tôi. Chỉ thương Āloka chân vẫn không lành dẫu tôi bóp thuốc nhiều lần. Cứ ba chân cà nhắc trong trời mưa gió, sương mù lạnh buốt. Đi được một đoạn chú lại nằm lăn ra giữa đường và thở. Tôi và quý Sư thay phiên nhau gọi chú dọc đường như một sự sách tấn dành cho chú. Mỗi khi nằm lim dim giữa đường, nghe tiếng chúng tôi gọi thì chú lại mở mắt nhìn, rồi cố gắng đứng dậy, đi tiếp.
Không chỉ có Tăng đoàn mới khoác trên mình bầu nhiệt huyết và sự kiên định trên con đường đầy gian khổ này, Sổ và Āloka cũng vậy! Với tôi, hai chú thật có ý chí và kiên cường! Hai chú chẳng bao giờ bỏ cuộc mặc dầu chân rất đau và mệt nhoài sau chặng đường dài hơn 1500km. Giá như cả hai chú ấy đều có thể vượt qua hết mọi khổ nạn, những gian nan vất vả trên cuộc hành trình này thì quả thật, công đức ấy vô lượng vô biên! Với phước báu ấy, mong rằng Āloka (Ánh Sáng) cũng sẽ tìm thấy được Ánh Sáng cho chính mình. Từ ngày được sinh ra, đây là lần đầu tiên chú ấy được cùng chung bước với đoàn Tăng lữ trong những chiếc y màu vàng đất, xuyên qua mọi ngóc ngách của cuộc đời để tìm lại con đường cổ xưa năm nào. Sau mỗi đoạn đường dài, đến nơi nghỉ là cả hai bạn lăn ra ngủ li bì, mỗi chú một góc, mình mẩy Āloka thì lúc nào cũng dơ hầy vì ưa lăn lộn trên đất, trên cát, trên những ụ than đá đen thui dọc đường.
Chúng tôi đi qua những thành phố sương mù dày đặc không thể nhìn thấy nhau quá bảy bước. Ánh sáng của đèn pin cũng không thể đâm thủng màn sương nên tầm nhìn cũng bị hạn chế. Một vài vị không dùng đèn pin, chỉ dựa vào ánh sáng trắng của vạch cắt trên đường mà đi. Chúng tôi cứ đi và miệt mài đi, băng qua thôn xóm, đường làng, rồi lại đồng không mông quạnh, không một ngôi nhà, không một bóng người. Tiếp đến lại đi qua những phiên chợ, sông dài và bãi cát mênh mông… mãi gần 12 giờ trưa sương mới tan, nhường chỗ cho ánh mặt trời. Thật vậy, sáng lạnh, chiều nóng, tối lại trở lạnh kèm theo ẩm ướt khiến bệnh tình chúng tôi không thể thuyên giảm được, vừa dứt cơn này đến hồi cơn khác.
Chúng tôi băng qua những cánh đồng mía trong mùa thu hoạch. Đâu đâu cũng thấy mía bao la bạt ngàn, những cỗ xe công nông, xe tải chở đầy mía nối đuôi nhau, xe nào xe nấy đều chất quá tải gấp đôi ba lần, chạy qua những đoạn đường quanh co tưởng chừng như muốn lật. Lắm lúc nghĩ thầm, nếu cả xe mía này lật đè lên người Tăng đoàn thì hẳn cái chết chắc “ngọt ngào” lắm. Ái chà! Thật dí dỏm làm sao những suy nghĩ ngoài lề!
Những cánh đồng mía đang mùa thu hoạch tấp nập và nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi người đều có phận sự: Người chặt, người tuốt, người gom, người vác. Có chỗ mía chất thành đống, có chỗ đang chất lên xe. Những người phụ nữ và trẻ em thì gom đọt mía thành từng bó thật to đội lên đầu mang về nhà chắc để dành cho trâu, bò và heo ăn. Đoàn Tăng lữ cũng được người dân cúng dường những cây mía tươi ngon ngọt, họ còn bảo quý Sư muốn lấy bao nhiêu thì lấy.
Cứ mỗi đoạn đường là có một trạm xay nước mía miễn phí. Trạm xay nước mía! Nghe có vẻ hoành tráng, nhưng thật ra, chỉ là hai cây gỗ được chôn xuống đất, đóng thêm thanh ngang, kèm thêm hai cục sắt sát nhau để ép cây mía, và một cây gỗ trên đầu để cầm xoay, như người ta xay gạo vậy. Bên dưới cái máng vừa đen vừa dơ là ca và thùng hứng nước mía. Tóm lại, việc của mình là cứ đẩy cây mía vào 2 cục sắt, và xoay tay cầm. Thế là có nước mía uống.
Tấm lòng người dân Ấn hẳn rất hào phóng và trân quý người Tu, đi đến đâu họ chắp tay vái chào đến đó. Có những chặng đường dài bùn sình khó đi, những anh thanh niên mua đầy những thùng bánh quy cúng dường Tăng đoàn với lòng thành kính. Họ chắp hai tay lên đầu, nhắm mắt kính dâng lên chư Tăng. Thật xúc động làm sao!
Chưa nói đến những anh cảnh sát thay phiên nhau mở đường và bảo vệ Tăng đoàn từ sáng đến chiều bằng xe ô tô, mô tô và cả bộ hành. Các anh đi theo bảo vệ cho đến khi chúng tôi đến nơi nghỉ. Có đoạn các anh phải ở lại qua đêm để giữ an toàn cho cả Tăng đoàn. Anh cảnh sát trưởng cũng đi theo và thỉnh mời chúng tôi dừng chân nghỉ lại trong địa phận của các anh để tiện bề hộ độ cho Tăng đoàn. Nhưng chúng tôi đành phải cáo lỗi vì lộ trình đã ấn định nên không thể dừng lại quá lâu.
Ngược lại, cũng không thiếu những người kém tế nhị, mấy anh nhậu say, nửa đêm đi vào khuôn viên chư Tăng nghỉ ngơi, rọi đèn pin vào trong lều và hỏi chúng tôi từ đâu đến. Họ kêu chúng tôi dậy để nói chuyện, rồi cười nói lớn tiếng, không để ai ngủ yên, đặc biệt khi ai nấy ít ngủ vì mệt hoặc bị bệnh. Thấy tình hình không ổn, tôi cầm đèn pin bước ra, nói vài câu và mời các anh đi cho. Cũng may họ cũng hiền lành gật đầu và lên xe Honda phóng đi. Thế là chúng tôi lại tranh thủ chợp mắt, được chút nào hay chút đó.
“Phước bất trùng lai,
Họa vô đơn chí!”
Câu nói mà tôi hay dùng mỗi khi chia sẻ Pháp, nay hiện ra trước mắt, thật rõ ràng. Phước thì thường không đến nhiều lần, vì khi người được phước thì tâm thường hay dễ duôi, tự mãn nên chúng trở thành phiền não. Khi phiền não chế ngự làm chủ tâm thì phước không thể có cơ hội cho quả thêm nữa. Ngược lại “Họa vô đơn chí” quả khổ lại lần lượt kéo nhau đến, lần lượt đổ dồn lên nhau, không cho chúng ta thời gian để thở. Vì quả khổ làm cho phiền não phát sanh, khi phiền não phát sinh lại tương tác với những nghiệp bất thiện trong quá khứ, cho quả ngay trong hiện tại này.
Vòng Tam Luân gồm Phiền Não Luân (Kilesa Vaṭṭa) – Nghiệp Luân (Kamma Vaṭṭa) – Quả Luân (Vipāka Vaṭṭa). Mỗi khi ta gặt quả xấu thì phiền não hiện hữu, do có phiền não mà không biết nên làm sao cho phải, nên thường thì ta lại gieo nghiệp xấu ác. Do gieo nghiệp xấu nên có quả, do quả khổ nên phiền não sanh rồi lại gặt quả khổ… cứ như vậy luẩn quẩn không chấm dứt tạo nên chuỗi luân hồi vô tận.
Nay chân tôi cũng bị sưng vù, ngón chân cái không nhúc nhích được, cứ cà nhắc giống Āloka, cả hai thầy trò giờ đều cà nhắc chân phải như nhau. Nhưng tâm tôi có phiền não chăng? Tôi không thấy vậy! Vậy thì “Họa vô đơn chí” là làm sao?
Có lắm khi mọi thứ đổ dồn đến với ta, chưa hẳn là do nghiệp chi phối đâu. Nên chúng ta không thể đổ thừa tất cả đều do nghiệp được. Ngược lại cần phải nhìn ngắm cái ta đang hiện hữu đó, nó như thế nào? Sự nhẫn nại, tinh tấn và quyết tâm thuở ban đầu liệu có thuyên giảm chăng? Và khi phải đối diện với quá nhiều thứ xảy đến cùng lúc, ta có chới với và hụt hẫng không? Khi thân tứ đại này chiêu cảm những nỗi thống khổ chồng chất lên nhau, ta phản ứng như thế nào?
Lẽ đương nhiên sẽ có người than thân trách phận, than vắn thở dài, ưu tư phiền não. Lại nữa, cũng có người xem nó như là những phương thuốc của tâm, những thử thách trong đời, những quả xấu trong quá khứ cần phải trả. Hoặc cũng chỉ có để tâm bình thản đón nhận một cách trung thực mà không khởi lên gì cả, nó đến thì ghi nhận, nó đi thì cũng ghi nhận.
Cũng vậy, nếu còn vô minh và ái dục thì con đường chúng ta đi, từ vô thủy đến vô chung sẽ không bao giờ thoát khỏi những thực trạng này. Thế nên, đối với những người mang trong mình nhiệt huyết của sự tu tập thì quan trọng không phải là sự tránh né mà là cách chúng ta đối diện với những phiền não như thế nào, phản ứng của tâm ra sao? Ta có áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống hằng ngày mỗi khi ta đối diện với những thực trạng nêu trên hay không? Và, còn biết bao, biết bao nhiêu thứ trên đời nữa.
#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney
Nguồn: Dhammacetiya