Trở lại với hoàng hậu Sāmāvati: Đức vua mỗi ngày cho hoàng hậu Sāmāvati tám đồng để mua hoa. Số tiền ấy được giao cho người hầu gái của hoàng hậu là Khujjuttarā, người mỗi ngày có nhiệm vụ đi ra ngoài để mua hoa. Một hôm ở tại nhà người bán hoa Sumana có tổ chức một buổi lễ trai tăng cho Đức Phật và chư Tăng. Người bán hoa mời Khujjuttarā ở lại nghe pháp sau bữa ngọ trai. Khujjuttarā dự buổi thuyết pháp, sau khi nghe xong cô trở thành bậc thánh nhập lưu.
Là một bậc thánh nhập lưu, người ta giữ ngũ giới một cách nghiêm ngặt. Vì thế Khujjuttarā trước đây thường ăn bớt bốn đồng từ số tiền mua hoa hàng ngày, nay không còn làm điều đó nữa. Cô mua đủ tám đồng. Khi hoàng hậu thấy hoa nhiều hơn bình thường, nàng hỏi người hầu gái: “Tại sao, này em Khujjuttarā? Có phải hôm nay đức Vua đưa gấp đôi bình thường không?” Khujjuttarā nói không. Lúc đó hoàng hậu mới hỏi lý do vì sao hôm nay lại có nhiều hoa như vậy. Một bậc thánh nhập lưu không bao giờ nói dối và giữ ngũ giới nghiêm ngặt. Khujjuttarā kể lại toàn bộ sự thực, trước đây cô thường ăn cắp bốn đồng trong số tám đồng tiền mua hoa, cô chỉ mua bốn đồng tiền hoa mỗi ngày nhưng hôm nay cô đã chấm dứt việc đó. Khi được hỏi tại sao, Khujjuttarā nói hôm nay cô có cơ hội được nghe pháp của Đức Phật tại nhà người bán hoa và đã liễu ngộ pháp. Vì thế cô không còn phạm vào ngũ giới nữa.
Hoàng hậu Sāmāvati vốn là một người đôn hậu và giới đức. Vì thế, hoàng hậu rất thận trọng. Nàng suy xét đến những thay đổi nơi thái độ và nhân cách của Khujjuttarā. Hoàng hậu ngẫm nghĩ đến người nữ tỳ khi cô ta nói rằng cô ta đã đắc pháp, không còn ăn cắp và dám nói sự thực không sợ hãi. Như vậy pháp mà Khujjuttarā đắc ắt hẳn phải là pháp gì đó thiêng liêng lắm, và biết được pháp ấy chắc chắn sẽ là một điều diễm phúc, Hoàng hậu Sāmāvati tự nhủ như vậy. Vì thế nàng nói với Khujjuttarā: “Này chị, hãy hoan hỷ cho chúng tôi được uống pháp mà chị đã uống đi”. Khujjuttarā ngồi trên chỗ mà một vị pháp sư thường ngồi và lặp lại bài pháp của Đức Phật một cách rõ ràng và đầy đủ. Hoàng hậu Sāmāvati và năm trăm thị nữ của nàng trở thành thánh nhập lưu sau khi nghe xong bài pháp ấy.
Từ ngày đó trở đi, Khujjuttarā được nâng lên địa vị của một người mẹ, một người thầy thông thái và được phép đi dự các buổi thuyết pháp của Đức Phật. Mỗi lần nghe pháp xong cô sẽ trở về cung và nói lại những bài pháp đã nghe ấy cho mọi người cùng biết. Bằng cách này, Khujjuttarā trở nên thấm nhuần trong pháp và sau đó được Đức Phật khen tặng là người tinh thông về pháp trong số những cận sự nữ của Ngài (đệ nhất về thuyết pháp trong hàng cận sự nữ).
Māgandiya cho tiền những người hầu và nô lệ của nàng, yêu cầu họ đi ra đường để chửi bới Đức Phật và đuổi Ngài ra khỏi kinh thành. Những người không có đức tin nơi Đức Phật và giáo pháp của Ngài đã làm theo yêu cầu của Māgandiya. Khi Đức Phật và chư Tăng đi vào kinh thành, những người này đã đi theo và hét lên những lời xỉ vả đủ mọi loại. Chẳng hạn như họ chửi: “Ông là một tên trộm, là kẻ tồi bại, là đồ con lừa, đồ con bò, đồ con lươn, đồ súc sanh. Ông sẽ đi xuống địa ngục” hay “Đối với các ông sẽ không có thiên đường mà chỉ có địa ngục mà thôi”. Điều đó thật là khủng khiếp. Một khi người ta đã đi chệch khỏi đường chánh, những hành động ác sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đám người này đang mua những ác báo cho những ác nghiệp của họ. Thực sự, họ không được phước gì cả. Sau nhiều lần nghe chửi bới như vậy, Tôn giả Ānanda nói với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, kinh thành này đầy những người thiếu văn hóa. Họ mắng chửi chúng ta vì những lý do chẳng rõ ràng và vô lý. Chúng ta hãy đi đến nơi khác thôi”. Đức Phật hỏi: “Này Ānanda ông sẽ làm gì nếu khi đến nơi khác người ta cũng mắng chửi chúng ta như vậy?” Ānanda trả lời: “Lúc đó, bạch Thế Tôn, chúng ta sẽ đi đến một nơi khác nữa”.
Đức Phật nói, “Này Ānanda, khi chúng ta bị mắng chửi, bỏ đi nơi khác thật là điều không thích hợp. Bất luận một vấn đề cư xử không đúng đắn hay ồn ào nào cũng cần phải được giải quyết ngay tại nơi nó phát sanh. Chỉ khi giải quyết xong, lúc đó chúng ta mới nên đi đến chỗ khác.” Chúng ta phải có đủ can đảm để nhẫn chịu những lời xỉ vả của người ác. Ngài nói như vầy:
Ahaṃ nāgova saṅgāme,
cāpato patitaṃ saraṃ;
Ativākyaṃ titikkhissaṃ,
dussīlo hi bahujjano. (Dhammapada 320)
“Ví như thớt voi lớn trên bãi chiến trường phải hứng chịu những lằn tên từ mọi hướng như thế nào, Như Lai cũng sẽ hứng chịu tất cả mọi lời xỉ vả như vậy không chút than phiền. Phần đông trong nhân loại đều thích làm điều ác, nói lời ác và thô lỗ cục cằn”.
Nhiều người không thể chế ngự được những hành vi và lời nói của họ và phần lớn mọi người đều thô lỗ. Chỉ khi bạn có lòng khoan dung đối với cách cư xử không đúng đắn của họ bạn mới có thể sống giữa những người như vậy. Vì thế Đức Phật nói: “Ví như thớt voi lớn trên bãi chiến trường phải chịu đựng những mũi tên bắn từ mọi hướng như thế nào, Như Lai cũng sẽ chịu đựng những lời xỉ vả như vậy”. Và Ngài tiếp tục nói với Ānanda, “Này Ānanda, chớ có lo lắng. Họ chỉ có thể mắng chửi như vậy trong vòng bảy ngày, đến ngày thứ tám họ sẽ chấm dứt, tình trạng này sẽ được lắng dịu và bình yên trở lại”. Điều đó đã diễn ra đúng như lời Ngài nói. Với những vụ vu khống Đức Phật, có lẽ kết thúc của nó luôn luôn là như vậy. Đó là lý do vì sao ở Miến có câu nói dân gian rằng: “Nói xấu lắm chỉ bảy ngày và khen lắm cũng chỉ bảy ngày”.
#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney
Nguồn: Dhammacetiya