Sương đêm ướt lạnh mà cứ ngỡ là mưa, những hạt sương dày đặc trắng cả bầu trời trong đêm tối. Đoạn đường đến Varanasi vẫn còn khá xa, chúng tôi khăn gói lên đường giữa một đêm không trăng không sao, gió lạnh từng cơn thổi về làm tê tái lòng đoàn Tăng lữ.
Dừng chân dùng mì gói rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Hai hôm nay không khí ảm đạm chỉ có sương mù một màu trắng như sơn. Ngày cũng như đêm không một tia nắng xuyên suốt cả đoạn đường dài.
Sau buổi trưa, chú Sổ vẫn quây quần bên trưởng đoàn, riêng Đốm Āloka ngủ dậy đi đâu hồi nào không ai để ý. Tôi gọi tên Āloka bao lần cũng chỉ thấy im lặng. Tăng đoàn cất bước mà chú Đốm Āloka vẫn không thấy đâu. thông thường đi một lát là Đốm đã chạy theo. Lần này càng đi càng xa, tôi hỏi chư vị cũng không ai thấy Đốm đâu. Lâu lâu quay đầu nhìn lại vẫn không thấy Đốm, tôi thầm nghĩ: “Sao con không nghe lời Sư Phụ, ham chơi quên cả giờ giấc, con như vậy là hết phước rồi, bây giờ Chư Tăng đang đi mà con còn ở đâu?”
Đi được chừng năm cây số, tôi quyết định dừng lại chờ các vị đi sau tới để hỏi nhưng vị nào cũng lắc đầu. Phải chăng duyên phận thầy trò chúng ta đến đây là hết? Đoạn đường “thỉnh kinh” giờ đây không còn có con, duyên Đạo Lộ với con chỉ ngắn ngủi đến thế sao?
Cuối cùng tôi trình bày với một vị trong ban tổ chức để quay trở lại tìm Đốm Āloka. Gần điểm nghỉ trưa tôi đã tìm thấy Đốm. Chú chạy lại mừng tôi ríu rít. Cả mình Đốm bốc lên mùi phân nồng nặc làm y áo tôi cũng nồng nặc theo. Tôi liền lấy chiếc vòng tròng vào cổ Đốm. Khi xưa Đường Tăng đặt vòng Kim Cô trên đầu của Tôn Ngộ Không mới có thể thuần phục được hắn; nói cho vui, nay tôi cũng đeo vòng cho Đốm, nhưng có thuần phục được hay không cũng tùy vào duyên nghiệp của Đốm. Thầy trò chúng tôi bắt đầu lại đoạn đường đã đi qua. Vượt qua cao tốc đến đường nhỏ, đến phố đến chợ, nơi đâu cũng không ngớt những ánh mắt trầm trồ nhìn vào thầy trò chúng tôi.
Tới đoạn cây cầu dài nhất Ấn Độ chỉ có hai làn xe chạy và một lối đi bộ, Āloka rất sợ đi bên trên lối đi bộ vì cao và cầu thì nhún nhảy khi xe chạy qua. Āloka leo xuống lề xe chạy đi sát vào thành, mỗi chiếc xe chạy qua đều làm Āloka khiếp sợ, nép sát vào thềm cầu không dám đi. Tôi cũng bước xuống làn xe chạy đi sau lưng bảo vệ và giúp Āloka bớt nỗi sợ hãi. Cuối cùng nó cũng chịu leo lên trên đường dành cho người đi bộ. Đi hoài vẫn không thấy bờ sông. cây cầu vẫn cứ dài lê thê mà thầy trò cũng đã mệt.
Có lẽ giờ này có người sẽ cho rằng tôi dính mắc với chú Đốm Āloka, vì trải qua bao lần khổ nạn, thất lạc tôi vẫn đi tìm. Thật ra ở đây không có dính mắc hay quyến luyến gì cả, đơn thuần vì từ ngày gặp chú tôi nhận ra mối nhân duyên của Āloka với Tăng đoàn. Đoạn đường hơn sáu trăm cây số, có hàng ngàn chú như Đốm Āloka lang thang khắp cùng, nhưng chỉ duy nhất một mình Āloka có ý chí nghị lực đi cùng chúng tôi hơn hai mươi ngày qua. Trải qua đói khát, mệt nhọc nhưng Āloka vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Ngay chính chúng tôi cũng nhiều lúc đi không nổi, nói chi là một chúng sanh như Đốm. Đốm hẳn còn nhỏ, vẫn năng động ham chơi nên đôi khi lạc đoàn chứ không phải bỏ đi.
Do vậy, tôi cũng muốn tạo duyên cho Đốm khi tôi còn có thể. Không phải Đức Phật cũng nhẫn nại với học trò như người mẹ hiền thương con đó sao? Và khi Ngài muốn tế độ ai, Ngài cũng đâu từ bỏ chúng sanh ấy dù gian nan vất vả. Tôi cũng cố gắng hành theo lời Phật dạy khi tôi còn có đủ nhân duyên và điều kiện để hành theo. Suy cho cùng, Āloka cũng là một chúng sanh đáng thương và đáng được bảo vệ.
Cuối cùng thầy trò chúng tôi cũng về tới với đoàn khi trời vừa tối. Tôi dẫn Āloka vào trình diện Ngài trưởng đoàn để được chỉ dạy. Xong, chú lăn quay ra ngủ tại chỗ!
#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney
Nguồn: Dhammacetiya