|

Dhammacetiya

Theo Dấu Chân Phật Bút Ký – Ngày 64

Ngày 13 tháng 2, 2023

 
Từ sáng tinh mơ Tăng đoàn đã rời khỏi quê hương của Phật mẫu băng qua những thửa ruộng lúa đang mùa trổ bông và những cánh đồng hoa cải vàng óng ánh dưới ánh nắng ban mai. Cuộc sống ở đây êm đềm nhẹ nhàng, không tất bật người qua lai, còi xe inh ỏi, ùn tắt giao thông như những chốn đô thành nhộn nhịp.
 
Qua hết đoạn đường lúa xanh hoa vàng là đền tháp bảo vệ trụ đá đánh dấu nơi đản sanh của Đức Phật Koṇāgamana được Vua A Dục dựng lên.
 
Theo Phật sử (Buddhavaṁsa), sau khi Đức Phật Kakusandha viên tịch, thọ mạng của loài người giảm dần từ bốn chục ngàn tuổi còn mười tuổi, rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Sau khi thọ mạng của loài người lại giảm còn ba chục ngàn tuổi thì Bồ tát Koṇāgamana, sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, đã tái sanh vào cõi trời Đâu-suất- đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ bà-la-môn Uttarā, vợ của Bà-la-môn Yaññadatta, ở kinh đô Sobhavati. Khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Subhavatī.
 
Vào lúc Bồ tát đản sanh có một đám mưa vàng rơi xuống khắp cõi Diêm phù đề và nhân biến cố “vàng rơi xuống từ trên trời”, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc của Ngài đặt tên cho Ngài là Kanakagamana (kanaka nghĩa là “vàng”, āgamana nghĩa là ‘đến’). Do đó, Kanakagamana nghĩa là “cậu bé đem vàng đến”. Do tánh chất xưa cổ, tên Kanakagamana được đọc trại thành Koṇāgamana. Trụ đá Vua A Dục dựng đánh dấu nơi đản sanh của Đức Bồ Tát Koṇāgamana ngày xưa nằm tại Nigali Sagar nay là Nepal.
 
Khi Bồ tát Koṇāgamana đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Tusita, Santusita và Santuṭṭha, được hầu hạ bởi người vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Rucigattā với tùy tùng gồm mười sáu ngàn thiếu nữ Bà-la-môn. Ngài hưởng cuộc sống thần tiên trong ba ngàn năm.
 
Khi Bà-la-môn Koṇāgamana trông thấy bốn điềm tướng khi đang sống cuộc đời thế tục và sau khi người vợ Rucigattā đã hạ sanh một bé trai đặt tên là Satthavāha, thì Ngài từ bỏ thế gian, đi xuất gia cưỡi trên con voi. Ba chục ngàn người noi theo gương Ngài cũng xuất gia làm sa-môn.
 
Cùng với ba chục ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Koṇāgamana thực hành pháp khổ hạnh trong sáu tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát độ món cơm sữa do Aggisonā dâng cúng, con gái của một người dân tên Aggisona và trải qua suốt ngày trong rừng cây keo của địa phương. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người giữ ruộng lúa tên Jāṭatinduka. Khi Bồ tát Koṇāgamana vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề Udumbara thì Vô Địch Bảo Tọa cao hai mươi hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách như chư Phật trong quá khứ.
 
(Xem thêm trong bộ Đại Phật Sử của Ngài Cố Đại Trưởng Lão Mingun)
 
Sau khi tụng kinh lễ bái thánh tích, chúng tôi được đoàn hành hương là Phật Tử Thái Lan cúng dường trái cây nước uống rồi lại tiếp tục lên đường đi đến nơi đản sanh của Đức Phật Kakusandha. Trụ đá nằm khuất trong một ngôi làng Gothihawa, Nepal gần Kapilvastu, Lumbini, Devadaha và Ramagrama của Nepal. Trụ đá đã bị hư hoại trải qua thời gian, giờ đây chỉ còn lại một đoạn ngắn được khai quật cách đây không lâu lắm.
 
Theo Phật sử, Đức Phật Vessabhū viên tịch đại Niết bàn, đại kiếp mà Ngài xuất hiện đã kết thúc. Trải qua hai mươi chín Không kiếp, là những đại kiếp không có chư Phật xuất hiện. Sau đó là đại kiếp của chúng ta, được gọi là Hiền kiếp (Bhadda Kappa) vì trong đại kiếp này có năm vị Phật xuất hiện – Kakusandha, Konāgamana, Kassapa và Gotama và Đức Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trong đại kiếp này là Đức Phật Di-lặc (Metteyya).
 
Đức Phật Kakusandha vị đầu tiên trong năm đại kiếp này, khi thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi xuống còn bốn mươi ngàn tuổi thì Bồ tát Kakusandha – sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, tái sanh vào cõi trời Đâu-suất-đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ Bà-la-môn Visākha, vợ của vị quốc sư Aggidatta, là quan cố vấn của vua Khenaṅkara ở kinh đô. Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh ở vườn Khemavati.
 
Khi Bồ tát Kakusandha đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Kāma, Kāmavaṇṇa và Kāmasuddhi, được hầu hạ và phục vụ bởi người vợ Bà-la-môn tên là Rucinī cùng với ba chục ngàn thiếu nữ bà-la-môn hầu hạ. Ngài sống cuộc đời thế tục như thần tiên trong bốn ngàn năm.
 
Khi trông thấy bốn điềm tướng và sau khi Rocinī hạ sanh một bé trai đặt tên là Uttara thì Bà-la-môn Kakusandha đi xuất gia, ngồi trên chiếc xe song mã và trở thành vị Sa-môn. Noi theo gương của Ngài có bốn chục ngàn người cũng trở thành Sa-môn.
 
Cùng với bốn mươi ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Kakusandha thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát độ món cơm sữa do nữ Bà-la-môn Vajirindā dâng cúng, ở thị trấn Vajirinda, và trải qua suốt ngày trong rừng cây Keo của địa phương. Đến chiều Ngài đi một mình đến cây đại Bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người giữ ruộng tên Subhadda. Khi Bồ tát vừa rải mớ cỏ xuống cây bồ-đề Sirisa thì Vô Địch Bảo Tọa cao hai sáu hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách chư Phật trong quá khứ.
 
(Xem thêm trong bộ Đại Phật Sử của Ngài Cố Đại Trưởng Lão Mingun)
 
Còn trụ đá đánh dấu nơi đản sanh của Đức Phật Kassapa đến nay vẫn chưa tìm ra.
 
 

#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney

 

Nguồn: Dhammacetiya

#sbsstupas