Rằm Tháng Giêng có lẽ không còn xa lạ đối với những người con Phật, bởi đây là ngày mà 1.250 vị tỳ kheo A-la-hán không hẹn mà gặp, đã cùng nhau đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Lúc đó ngài đang ngụ tại Trúc Lâm Tịnh Xá (Veḷuvana vihāra) trong thành Vương-xá (Rājagaha) do vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) dâng cúng. Thế nên, Rằm tháng Giêng được coi là ngày đại hội Tăng, là một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo Nam Truyền.
Vào ngày trọng đại này, Đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo (Ovādapātimokkha) gồm 13 nguyên tắc cơ bản được trình bày một cách cô đọng và ngắn gọn, tóm tắt toàn bộ cốt lõi của giáo pháp và đời sống tu tập dành cho những vị xuất gia.
Cứ nửa tháng một lần, chư Tăng họp nhau lại để trùng tụng và lắng nghe bản kinh này nhằm ôn tập và sách tấn nhau trên con đường tu tập và duy trì sự đoàn kết trong Tăng đoàn.
Xin trích một bài kệ mà sau này Đức Phật nhắc lại khi trả lời ngài Ananda tại Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana), được ghi lại trong kinh Pháp Cú. Đoạn kinh có thể được xem là kim chỉ nam cho việc thực hành giáo pháp và cũng là nguyên tắc sống mà mọi người nên thực hành theo.
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
(Pháp Cú câu 183)
Cũng vậy, sáng sớm khi trời còn sương mù, Tăng đoàn cùng nhau trì tụng kinh bảo hộ và phúc chúc cho công trình xây dựng còn dang dở của Chùa Wat Thai Chetavan, sau đó đi bát tại chùa. Như thường lệ, ngày giới, ngày lễ Bố-tát (Uposatha) của Chư Tăng, là dịp mà chư Phật tử khắp nơi lên chùa cúng dường và cùng nhau tu tập. Hôm nay là ngày chư Tăng, Phật tử chùa Huyền Không Sơn Thượng, Phật tử ở Việt Nam, Phật tử chùa Hương Đạo và những tiểu bang trong đất nước Hoa Kỳ cúng dường trai tăng.
Sau bữa trưa cả Tăng đoàn bộ hành qua Kỳ Viên Tịnh Xá, là một trong những ngôi tịnh xá nổi tiếng vào thời Đức Phật, được nhắc nhiều trong kinh sách. Lịch sử hình thành ngôi tịnh xá, gắn liền với câu chuyện huyền thoại nổi tiếng kể về một vị trưởng giả đầy nhiệt tâm mang tên Cấp Cô Độc.
Chuyện kể rằng khi trưởng giả tìm đất để cất tịnh xá, ông đã nhìn thấy một khu vườn có đất đai bằng phẳng cây cối tươi tốt, và khi hỏi thăm chủ nhân của khu vườn này thì ông biết nó thuộc quyền sở hữu của thái tử Kỳ-đà (Jeta). Nhưng thái tử Kỳ-đà vì không muốn bán khu vườn nên bảo trưởng giả rằng nếu ông đem vàng lát kín khu vườn thì thái tử sẽ bán. Ngỡ rằng lời thách đố đó sẽ làm Trưởng giả Cấp Cô Độc từ bỏ dự định, nào ngờ ông đã đem vàng phủ kín khu vườn theo yêu cầu của thái tử và lấy được khu vườn. Điều ấy đã khiến cho thái tử vô cùng ngạc nhiên, và cũng chính sự nhiệt tâm của trưởng giả đã đưa thái tử đến với Đức Phật.
Tài liệu này thuật lại rằng, Đức Phật mặc dù sống ở đây một thời gian khá dài, nhưng hầu hết Ngài chỉ ở đây vào ba tháng mùa mưa. Các tháng còn lại trong năm Ngài vân du giáo hóa nhiều nơi. Những đệ tử của Ngài ở Savatthi mong muốn Ngài lưu trú hẳn trong kinh thành, nhưng điều này là không thể, và vì thế họ thỉnh Ngài để lại một vật gì đó để họ tưởng niệm như thể Ngài đang hiện diện trong khi không có mặt ở kinh thành. Để đáp lại lời thỉnh nguyện của các Phật tử, Tôn giả Ananda, được sự cho phép của Đức Phật, đã cho trồng một cây bồ-đề được chiết nhánh từ cây bồ-đề tại Bồ Đề Đạo Tràng để các Phật tử chiêm ngưỡng những khi Thế Tôn vắng mặt.
Ngày nay toàn cảnh tịnh xá là một khu vườn khá lớn có nhiều cây xanh. Trên nền vườn, ngoài những nền gạch xưa còn sót lại, hầu hết khuôn viên đều được trồng cỏ và cắt xén cẩn thận. Trên nền gạch đó, các nhà khảo cổ đã xác định đâu là vị trí hương thất của Đức Phật, đâu là thiền đường, chỗ ở của Tăng chúng… Và trên lối vào tịnh xá, có một cây bồ-đề được cho là do Tôn giả Ananda trồng. Câu chuyện Tôn giả Ananda trồng cây bồ-đề này được đề cập trong Pujavaliya, một tác phẩm cổ của Tích Lan.
Cả đoàn cùng nhau thỉnh băng vải màu vàng ròng nhiễu quanh Hương Thất (Gandhakuṭi) của Đức Phật ba vòng và tiến đến Cội Đại Bồ Đề. Sau khi nhiễu Phật ba vòng và cúng dường băng vải lên Cội Bồ Đề, chúng tôi lễ bái Bồ Đề và tụ họp dưới một cây Bồ Đề khác trong khuôn viên Tịnh Xá để trì tụng giới bổn nhân ngày Rằm Tháng Giêng. Nghi thức này cũng để tưởng niệm ân đức của Đức Phật đã để lại một kho tàng Pháp Bảo cao quý và vi diệu mà ngày nay tất cả chúng ta đã và đang được thừa hưởng. Bởi thế nên thời khắc tụng giới vào ngày Rằm tháng Giêng năm nay, tại nơi thánh địa này, đối với tôi thật ý nghĩa, thật hy hữu!
Tiếng kinh vang lên lúc trầm lúc bổng dưới bầu trời trong xanh cho tôi một cảm giác an lạc. Xung quanh là những tán cây rợp bóng xanh mát che chở cho những đoàn người đang chắp tay cung kính lễ Phật. Có đoàn chọn cho mình một nơi thích hợp để khai kinh, cúng dường Đức Phật. Có đoàn chiêm bái thánh tích Hương Thất của Đức Phật, hay đơn giản chỉ là nhìn ngắm Cội Bồ Đề. Tất cả đều thanh tịnh và an lạc lắm thay!
#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney
Nguồn: Dhammacetiya