Varanasi mờ ảo trong khí lạnh và sương mù tạo nên một khung cảnh trầm mặc và yên tĩnh của mùa đông. Tại nơi này, Đức Phật đã thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên cho năm vị Kiều Trần Như sau khi Ngài thành Đạo. Ngài đơn độc bộ hành hơn 340km băng rừng lội suối vượt qua bao khổ nhọc từ Bồ Đề Đạo Tràng đến đây để tế độ cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh trước kia. Cũng vậy, đoàn Tăng lữ cũng đã đi qua bao chặng đường gập ghềnh , sương gió, lạnh buốt để đến được đây. Mỗi bước chân đi qua, tôi càng thấy thương kính Đức Phật nhiều hơn, vì chính mình trải nghiệm những gian nan vất vả mà Ngài đã đi qua vì tình thương vô bờ bến Ngài dành cho chúng sanh.
Trong không trí trầm mặc và yên tĩnh của vườn Lộc Uyển, xuyên qua hàng hàng lớp lớp những nền móng tàn tích của các bảo tháp và trụ đá A Dục Vương bị tàn phá theo dòng lịch sử, ẩn mình trong lớp sương mù huyền ảo là Đại Tháp Dhamekh với chiều cao 128 feet, rộng 93 feet, được xây dựng bởi Vua A Dục. Tòa tháp hiện nay cũng chỉ còn lại tàn tích. Phần lớn vật liệu của tòa tháp đã bị đánh cắp di chuyển đến Varanasi cho những công trình khác vào thế kỷ 18. Tháp Dhamekh đánh dấu nơi Đức Phật tuyên thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, nghĩa là chuyển bánh xe Pháp, lần đầu tiên sau khi thành đạo, Ngài đã khai thị cho năm vị Kiều Trần Như. Sự kiện này đã đánh dấu một kỷ nguyên huy hoàng rực rỡ của Chánh Pháp kéo dài hơn 2500 qua. Nơi này cũng đánh dấu sự hình thành Tăng Bảo đầu tiên do sự giác ngộ của Ngài Kiều Trần Như. Ngài đã trở thành vị thánh Tăng đầu tiên của Phật Giáo vào ngày trăng rằm tháng sáu.
Đức Phật cũng ở tại đây, vườn Lộc Uyển, trong suốt mùa mưa đầu tiên. Tăng Già phát triển được 60 vị sau khi Yasa và những người bạn của mình xuất gia và trở thành thánh A-la-hán. Vì lợi ích cho chúng sanh, Đức Phật đã gửi các chư vị tỳ-kheo du hành theo mỗi hướng khác nhau để giảng dạy Phật Pháp và tế độ chúng sanh.
Sarnath còn được gọi với cái tên là Mrigadava (Migadāya) hay Rishipattana (Isipatana), hoặc Vườn Lộc Giả. Trong tiếng Phạn, Mrigadava có nghĩa là “vườn nai”, và Isipatana là tên được sử dụng trong kinh điển Pāḷi có nghĩa là nơi ở của các bậc thánh nhân (Pāḷi: Isi, Tiếng Phạn: Rishi, thánh nhân). Truyền thuyết kể rằng khi Đức Bồ-tát (Đức Phật tương lai) được sinh ra, nhiều chư thiên đã hạ phàm loan báo cho 500 vị Phật Độc Giác biết. Những vị Phật Độc Giác này rải hoa hồng vào không gian và nhập diệt, chỉ còn xá lợi của quý Ngài rơi xuống đất. Một giải thích khác cho tên gọi Isipatana là do các vị thánh nhân từ Hy Mã Lạp Sơn bay xuống đây. Những vị Phật Độc Giác, trải qua bảy ngày thiền quán tại Gandhamādana, sau khi tắm ở hồ Anotatta và bay đến nơi cư trú của người dân để khất thực; chư vị đã đến Isipatana. Đôi khi chư vị Phật Độc Giác tới Isipatana từ Nandamūlaka-pabbhāra, tương truyền là nơi thường trú của các vị.
Sarnath, từ chữ Saranganath, cũng có nghĩa là “Chúa của loài nai” và liên quan đến một câu chuyện cổ Phật giáo trong thời xa xưa. Đức Bồ Tát là một con nai chúa đã thế mạng của mình cho vua giết để ăn thịt thay cho con nai cái đang mang thai sắp sửa bị giết. Nhà vua cảm động thán phục nghĩ rằng: “Ta là đấng Quân Vương của một nước mà không có lòng bao dung, còn con nai này lại có lòng từ bi quảng đại đến như vậy. Thật thấy hổ thẹn với chính mình!” Từ đó nhà vua nguyện bỏ ăn thịt nai và bãi bỏ lệnh giết nai, ban hành lệnh bảo vệ loài nai. Vua đã biến công viên thành nơi trú ẩn cho loài nai. Công viên đó chính là vườn Lộc Uyển và vẫn còn cho đến ngày hôm nay. .
Lịch sử Sarnath còn được biết đến qua Kinh tạng Chú Giải. Đó là nơi thiêng liêng mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều chọn nơi đây làm chiếc nôi của Phật giáo. Quý Ngài đã khai thị cho chúng sanh giáo pháp giác ngộ, để giúp chúng sanh hiểu rõ bản chất thực sự của vạn pháp, có được sự an bình trong tâm và thoát khỏi mọi khổ đau. Sarnath lại được biết sẽ là nơi thiêng liêng đón chào đức Phật Di Lạc (Metteyya Buddha) chuyển pháp luân.
#chuahuongdao #chuahuongdaotemple #sbsstupas
#buddha #buddhism #Dhutanga #dhammajourney
Nguồn: Dhammacetiya