|

Dhammacetiya

Theo Dấu Chân Phật Bút Ký – Ngày 20

Lập đông tại Thánh địa Phật Giáo khí trời lạnh hơn so với những nơi khác ở Ấn Độ. Cũng vậy, những ngày cuối năm tấp nập khách hành hương tìm về quê cha đất tổ nhiều hơn để một lần được cúi đầu kính lễ dưới chân Cha lành – Thầy của chư thiên nhân loại.

 

Tâm điểm ở Bodhgaya là Tháp Mahābodhi (hay còn gọi là Tháp Đại Giác) cao 52 mét, bốn mặt được chạm trổ rất tinh vi. Thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, vua Asoka đã cho xây một tháp thờ Đức Phật tại đây. Đến thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, các quốc vương triều đại Pala ở xứ Bengal xây lại với quy mô lớn hơn. Vào thế kỷ 12, ngôi đền bị phá hủy. Đến thế kỷ thứ 14, các quốc vương Myanmar (Miến Điện) khi kéo quân vào đây đã khôi phục lại ngôi bảo tháp. Nhiều thế kỷ sau, tháp Mahābodhi hứng chịu nhiều trận lụt lớn và bị chôn vùi dưới lớp bùn đất. Mãi đến giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học người Anh là Alexander Cunningham đứng ra chỉ đạo khai quật và trùng tu lại bảo tháp Mahābodhi như hiện nay.

 

Phía sau Bảo Tháp Mahābodhi là Cội Đại Bồ Đề thiêng liêng, cành lá xanh tươi rợp mát. Dưới Cội Bồ Đề là một phiến đá sa thạch đỏ, có tên là “Vajrasana”, được đánh dấu và được coi là bồ đoàn nơi Đức Phật đã từng ngồi thiền và chứng đạo. Cội Bồ Đề này cũng mọc lên đúng vào ngày thái tử Siddhartha ra đời, và sẵn sàng đón chờ ngày Ngài đại giá quang lâm, tọa thiền chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tiếp độ chúng sanh.

 

Cùng chung với số phận thăng trầm của lịch sử Phật Giáo tại Ấn Độ, cây Bồ Đề cũng đã nhiều lần bị chặt đốt, thiêu hủy, đánh bom, do thiên tai vô thường tác động và cũng do những người muốn xóa tan vết tích của nó. Thế nhưng trải qua bao nguy khốn, dòng dõi hậu duệ của cây Bồ Đề vẫn không bị tuyệt diệt, mà vẫn tiếp tục bám trụ và đâm chồi nảy lộc, đời sau nối tiếp đời trước che bóng mát cho nơi Đức Phật đã ngồi để trở thành Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Mặc dù trải qua nhiều thế hệ nhưng vị trí cây Bồ Đề ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch. Với lịch sử hiển hách này, có thể nói cây Bồ Đề là biểu tượng cao cả cho những tín đồ Phật Giáo trải qua hàng ngàn năm nay.

 

Cầu mong cho tất cả chúng sanh luôn được an vui, bồ đề tâm kiên cố, Phật đạo chóng viên thành.

 

 

Nguồn: Dhammacetiya
#chuahuongdao
#sbsstupas