Từ nơi nghỉ đến chân Kê Túc Sơn khoảng chừng một tiếng, chúng tôi bộ hành xuyên qua đường rầy xe lửa, băng qua thôn xóm nghèo nàn, nhà cửa xập xệ và những căn chòi bằng đất và lá là nơi mà nhiều người đang sinh sống.
Trời tối om, sương lạnh, đường thì lởm chởm sỏi đá, đó đây là những vũng nước và bãi phân bò phần nào cũng làm chậm lại bước chân của đoàn Tăng lữ. Kê Túc Sơn, nơi tôi đã từng đặt chân đến hai lần, nhưng lần này là lần thứ ba cảm giác hoàn toàn khác xưa. Con đường đất đá ngày nào lên núi giờ đây là bậc cấp bằng bê tông, không gập ghềnh, khúc khuỷu, khó đi nhưng bù lại con đường xưa vẫn đẹp hoang sơ và thơ mộng hơn nhiều. Những bước chân nặng nề lê trên từng bậc cấp lên đỉnh Kê Túc của đoàn bộ hành cho thấy sức khỏe, đôi chân trong những ngày qua đã mệt, mỏi nhừ khiến cho việc leo núi thêm chút khó khăn. Tuy vậy, tâm chúng tôi rất hoan hỷ an lạc vì cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được vùng đất linh núi Kê Túc.
Có lẽ khi nghe đến Ngài Đại Ca-diếp, phần đông là người Phật Tử ai cũng biết Ngài là ai. Đức Phật cũng đã từng khen ngợi cách sống đơn giản của Ngài như thích ở nơi rừng, núi, trong những hang động và ngồi thiền ở trên đó. Ngài thường tìm đến những người nghèo khó để khất thực. Chú Giải có giải thích là vì lợi lạc cho những người nghèo khổ nên Ngài đã làm như thế. Trong Đại Ca-diếp Trưởng Lão Kệ (Mahākassapattheragāthā), có đoạn do Ngài thuật lại chuyện một người bị bệnh cùi đã làm rớt ngón tay của mình vào bát của Ngài khi dâng vật thực; Ngài chỉ đơn giản lấy ngón tay ấy ra rồi tiếp tục ăn. Chú Giải Pháp Cú câu 118 có nói về một cô gái dân dã tên Lājā là một người giữ ruộng lúa; với đức tin trong sạch, nàng đã cúng dường gạo rang đến Ngài. Nhờ vào sự cúng dường này, sau khi mạng chung nàng đã được tái sanh làm một thiên nữ ở cõi trời Ba Mươi Ba (Tāvatiṃsa) có hào quang rực rỡ, lâu đài to lớn, nhiều thiên nữ hầu hạ. Sau khi quán xét và biết được nguyên nhân vì sao mình có được phước báu này, vị thiên nữ Lājā hằng ngày bí mật xuất hiện nơi cốc của Ngài để quét dọn, châm nước, v.v. Sau khi phát hiện người dọn dẹp cho mình là một thiên nữ, Ngài đã nhất quyết đuổi đi. Thiên nữ đã khóc và van xin Ngài đừng phế bỏ những gì nàng đang có vì nàng vẫn muốn củng cố phước báu mà mình đang hưởng bằng cách là tiếp tục hộ độ Ngài. Ngài vẫn một mực đuổi nàng đi và còn nói nàng không biết giới hạn. Đây không phải lần duy nhất Ngài đã từ chối sự cúng dường từ chư thiên. Chú Giải Pháp Cú câu 56 cũng đã ghi lại việc Ngài từ chối sự cúng dường từ 500 thiên nữ và vua trời Sakka (Đế Thích) như thế nào. Ngài Đại Ca-diếp sống tri túc, đơn giản và dành mọi ưu tiên cho người nghèo khổ.
Kê Túc ngày nay, nơi mà tín đồ Phật giáo tin rằng Ngài Đại Ca-diếp đã vào đó nhập đại định, giữ gìn chiếc y và bình bát của Đức Phật Gotama chờ đến khi Đức Phật Metteyya ra đời để trao truyền lại theo như lời dạy bảo của Đức Phật Gotama. Tại sao gọi là núi Kê Túc? Theo tiếng Hán-Việt, Kê có nghĩa là con gà, còn túc là cái chân. Hình dáng của ngọn núi này tựa ba cái móng chân của một con gà khổng lồ chụp lên mặt đất. Bên trong của ba cái chân núi ấy rỗng, tức là một cái hang rộng lớn. Vì vậy, trong dân gian núi Kê Túc cũng được gọi là núi Chân Gà, riêng người dân địa phương gọi là núi Kukkatapāda. Dãy núi này thuộc huyện Gaya, bang Bihar, vùng Tây Bắc Ấn Độ.
Dọc theo đường lên núi, quang cảnh chung quanh yên tĩnh và đẹp đến rung động lòng người. Những tảng đá thiên nhiên hùng vĩ tạo nên dáng vẻ chắc chắn, hùng dũng, bất động của ngọn núi như tâm kiên định của một bậc Thánh Nhân, với ý chí độc cư thanh tịnh thực hành đầu đà hạnh không lung lay thối chuyển mặc cho bão táp mưa sa, nắng gắt dãi dầu qua năm tháng.
Gần đỉnh núi có một tảng đá to, cao cả chục mét, ngang cũng vài mét nằm cản đường. Để lên được đỉnh, đúng nơi được cho là Ngài Ca-diếp đã nhập đại định thì phải vượt qua tảng đá đó. Theo truyền thuyết, khi Ngài Ca-diếp đến đây thì ngọn núi tự động nứt ra và Ngài đã men theo lối này lên đỉnh núi nhập định chờ Đức Phật Metteyya ra đời. Kẽ nứt này là đường đi duy nhất dẫn lên đỉnh núi. Kẽ nứt chỉ vừa đủ cho một người có tầm thước trung bình đi vào. Tăng đoàn lần lượt từng người một đi vào kẽ nứt.
Còn chú Đốm Aloka nằm trước cửa khe ư…mmm e… không dám vào. Đã leo từ chân núi lên đến đây nhưng vẫn không lên được điểm chính. Thấy thương, tôi ôm chú vào lòng rồi cùng nhau rà từng bước xuyên qua khe nứt. Chú kêu rên ghì chặt hai chân vào hai vách núi, kẽ nứt một người đi còn khó, nay ẳm theo Đốm càng làm khó khăn hơn. Không khí trong khe nứt này mát lạnh và có vẻ huyền bí. Từ đầu khe nứt vào đến lối rẽ trái để lên đỉnh núi khoảng một trăm mét. Lối rẽ này xuyên qua lòng đá tối đen như mực. Rồi chúng tôi cũng đến được đỉnh núi. Tại đỉnh núi có một tháp thờ Ngài Ca-diếp. Chúng tôi cùng nhau quỳ trước tôn tượng của Ngài chí thành đảnh lễ bậc Tôn Sư Đệ Nhất Đầu Đà. Dẫu biết rằng những gì chúng tôi đã và đang thực hành trên hành trình theo dấu chân Phật này so với Ngài thì không thể đong lường đo đếm được.
Trên đỉnh của Kê Túc Sơn cũng có một Bảo Tháp tôn trí tôn tượng của Đức Bổn Sư. Chúng tôi mỗi người mỗi góc tĩnh tọa, nhìn ngắm, lễ bái và cuối cùng là trì tụng thời kinh Tam Bảo cúng dường sự hành đạo lên Đức Phật và Đức Đại Ca-diếp, và chia phước đến chư thiên, chúng sanh muôn loài. Tương truyền rằng, nếu có người hữu duyên với Ngài ở lại qua đêm tại đỉnh núi, có thể nhìn thấy ánh sáng hoặc kim thân của Ngài. Chúng tôi từ giã đỉnh Kê Túc xuống núi cho kịp giờ trưa để tiếp tục hành trình.
Sau bữa trưa là chặng đường dài hơn hai mươi cây số hướng về Khổ Hạnh Lâm. Băng qua những phiên chợ trái cây, bánh kẹo ruồi bu đen mịt vì đa số bánh kẹo được làm từ đường. Thức ăn cũng vậy, không bao không bịt, bụi đường thì mịt mù bay. Chúng tôi dừng chân nghỉ qua đêm tại khuôn viên của một ngôi trường tiểu học ven lộ để khép lại một ngày dài.
Nguồn: Dhammacetiya
#chuahuongdao
#sbsstupas