Thế nào là thái độ đúng khi hành thiền.
1. Thiền là nhận biết và quan sát bất kỳ điều gì đang diễn ra, cho dù là dễ chịu hay không, một cách thư giãn.
2. Thiền là quan sát và kiên nhẫn chờ đợi trong tỉnh giác và hiểu biết. Thiền không phải là cố gắng trải nghiệm những điều mà ta đã từng đọc hay nghe.
3. Chỉ để ý đến thời khắc hiện tại. Đừng bị lạc trong suy nghĩ về quá khứ, mà cũng đừng bị cuốn trôi theo suy nghĩ đến tương lai.
4. Khi hành thiền, cả tâm lẫn thân nên được thoải mái.
5. Nếu thấy thân và tâm trở nên mệt mỏi, tức là có gì không đúng ở cách ta hành thiền; đây là lúc cần kiểm lại cách hành thiền.
6. Tại sao ta lại quá chú tâm khi hành thiền?
Ta muốn điều gì chăng?
Ta muốn điều gì xảy ra chăng?
Hay ta muốn chấm dứt điều gì đang xảy ra?
Hãy kiểm tra xem ta đang có thái độ nào như vậy hay không.
7. Tâm thiền nên thư giãn và bình lặng. Ta không thể hành thiền khi tâm căng thẳng.
8. Đừng quá chú tâm, đừng kiểm soát. Đừng ép buộc hay hạn chế bản thân mình.
9. Đừng cố tạo ra điều gì và đừng bác bỏ những gì đang diễn ra. Chỉ cần hay biết.
10. Cố tạo ra điều gì là tham.
Bác bỏ những gì đang xảy ra là sân.
Không biết điều gì đang xảy ra hay đã chấm dứt là si.
11. Chỉ khi nào tâm quan sát không có tham, sân hoặc lo âu, sợ sệt thì ta mới thực sự đang hành thiền.
12. Đừng kỳ vọng bất kỳ điều gì, đừng mong muốn bất kỳ điều gì, đừng lo âu, vì nếu có những thái độ này trong tâm, việc hành thiền sẽ trở nên khó khăn.
13. Ta không cố gắng làm mọi chuyện diễn ra theo ý mình. Ta cố gắng biết điều gì đang xảy ra đúng như nó đang là.
14. Hãy tự hỏi tâm đang làm gì? Đang suy nghĩ? Đang nhận biết?
15. Hiện giờ tâm đang ở đâu? Bên trong? Bên ngoài?
16. Tâm quan sát hay theo dõi – tâm ấy đang hay biết rõ ràng hay chỉ hay biết hời hợt?
17. Đừng hành thiền với tâm mong muốn điều gì hoặc mong muốn việc gì đó xảy ra. Kết quả chỉ là ta làm ta mệt mỏi.
18. Ta phải chấp nhận và quan sát những kinh nghiệm tốt lẫn xấu. Ta chỉ muốn có những kinh nghiệm tốt thôi ư? Những kinh nghiệm dù khó chịu một chút ta cũng không muốn? Vậy có hợp lý không? Vậy có phải là con đường của Pháp!
19. Ta phải kiểm tra lại mình đang thiền với thái độ nào. Tâm nhẹ nhàng và thoải mái sẽ giúp ta hành thiền tốt.
Ta có thái độ thiền đúng chưa?
20. Đừng bị quấy rầy bởi tâm suy nghĩ. Hành thiền không phải để ngăn ngừa suy nghĩ, mà để nhận diện và hay biết sự suy nghĩ khi nó vừa khởi sinh.
21. Đừng chối bỏ bất kỳ đối tượng nào đến trong tâm ý ta. Hãy biết rõ những phiền não đang hiện hữu khởi sinh từ đối tượng đó, và tiếp tục xem xét những phiền não đó.
22. Đối tượng của tâm ý không quan trọng lắm. Tâm quan sát làm việc đằng sau mới thật sự quan trọng. Nếu quan sát với thái độ đúng đắn, bất cứ đối tượng nào cũng là đối tượng đúng đắn.
23. Chỉ khi có đức tin (saddhā), tinh tấn mới sinh khởi (viriya).
Chỉ khi có tinh tấn, niệm mới liên tục (sati).
Chỉ khi niệm liên tục, định mới được thiết lập (samādhi).
Chỉ khi định được thiết lập, ta mới bắt đầu hiểu mọi thứ đúng như chúng đang là (paññā).
Khi bắt đầu hiểu mọi thứ đúng như chúng đang là, đức tin sẽ tăng trưởng hơn.
Trưởng Lão Sayadaw U Tejaniya