|

Dhammacetiya

Chúng Ta Chuẩn Bị Cho Cái Chết Của Mình Như Thế Nào?

Mấy ngày bão Helene, Milton càn quét bên Hoa Kỳ thì bão Yagi cũng đã quét qua miền Bắc Việt Nam. Những cơn bão gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cầu sập, dông lốc, nước lũ dâng nhiều nơi, mưa làm lở đất, lũ cuốn,… là những tin tức cho biết sức người, sức của của cá nhân và cộng đồng đã tiêu tan chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ngoài tầm kiểm soát của con người. Trong số những hình ảnh đó, một đoạn clip (phim) ghi lại một chiếc xe tải dài vừa bò lên cầu Phong Châu thì chiếc cầu sụp xuống, cả xe và người cũng mất hút theo; rồi chuyện lũ quét cuốn trôi những ngôi nhà và con người một cách dễ dàng và nhanh chóng; những trận sạt lở vùi người và tài sản trong đất – là những hình ảnh “thương tâm” trong góc nhìn của người xem. cũng như tôi không dám tưởng tượng ra sự hoảng loạn, sự sợ hãi, đau xót của những người trong cuộc. Có lẽ sẽ khó có một diễn viên nào có thể lột tả được cảm xúc tột độ trong một cảnh phim tương tự!

 

Chúng ta đã chuẩn bị cho cái chết như thế nào?

 

Chắc chắn rằng sống trên đời này, ai cũng mong mình trải qua quá trình sinh-lão-tử thật nhẹ nhàng (không kịp nói đến bệnh!). Ai cũng muốn sống một cuộc đời trọn vẹn, khi về già, chỉ trong giấc ngủ của đêm rồi về với ông bà rất nhẹ. Nhưng sự thật là khi nói về “chết” thì đây là chủ đề được ngầm hiểu là không may mắn, là điều cấm kỵ nên ít ai dám bàn đến và nghĩ đến, nói chi là có chuẩn bị cho mình một tâm thái “chết” khi còn hiện tiền, nhất là khi người ta đang còn trẻ, ở độ tuổi sung mãn để làm việc, đang vui thú với biết bao nhiêu điều và đang ở hồi thịnh vượng về tiền tài, danh vọng và sức khỏe.

 

Thực tế là cái chết không báo trước cho ai để chuẩn bị cả.

 

Ví dụ như tiếp theo bão Yagi quét qua Myanmar, Việt Nam, một cây cầu bên Đức cũng sập, những cơn bão khác cũng đổ qua Hoa Kỳ, Nepal; đạn pháo vẫn rền vang giữa Ukraine và Nga; giữa Iran và Israel,.. bao nhiêu người phải bất chợt lìa đời.

 

Chúng ta chuẩn bị gì cho cái chết?

 

Nếu ai đó được một lần đối diện với sự ra đi của người thân thì là một lần được cảnh báo. Vì có thể từ sự ra đi của người thân, người đó buộc phải hiểu ra rằng hành trình phía trước rồi đây chính mình sẽ tự bước đi một mình dù xung quanh có biết bao nhiêu người quây quần bên cạnh. Nghĩ được như vậy, từ đó, người ấy sẽ hun đúc tinh thần, thêm được ý thức về sự chuẩn bị cái “chết” cho mình.

 

Chúng ta chuẩn bị cho cái chết của mình như thế nào?

 

Thực hành sống trọn vẹn với từng phút giây trong công việc đang làm, trọn vẹn trong từng mối quan hệ, trong ứng xử hàng ngày là quá trình chuẩn bị “chết” tốt nhất. Vì sao vậy? Vì ai cũng có thể thấy rõ rằng nếu ta chú tâm vào việc tắt bếp trước khi cầm điện thoại để tán gẫu hay lướt mạng xã hội thì sẽ không có chuyện cái xoong khét trên bếp lò; nếu ta thận trọng khoá nước sau khi dùng thì sẽ không có chuyện nước chảy lênh láng trong phòng gây ra nhiều phiền toái. Còn nữa, khi những đứa con và các bậc cha mẹ, những người chồng-người vợ luôn giữ gìn cho nhau lời ăn tiếng nói, sự tôn trọng, thành thật, chung thủy và sự quan tâm chăm sóc thì làm gì có lời hối hận, áy náy khi xa lìa?! Những điều trên đó, trong nhà Phật gọi là sống trong Chánh Niệm. Và có thể thấy trong sự thực hành “CHÁNH NIỆM” trọn vẹn này bao hàm cả hiểu và thương, cả thực hành về chữ “nhẫn” và bao dung (từ bi) trong Đạo Phật.

 

Bố thí cũng là một sự chuẩn bị “chết” rất tốt. Đó chính là thực hành sự xả bỏ, hạnh xả ly. Ai cũng có thể nhận ra rằng cho đi số tiền hay tài sản mà mình vất vả kiếm được là một điều khó, ắt hẳn ta có thể hình dung được khi ngồi trên đống tài sản mà ra đi đột ngột, thì sự tiếc nuối sẽ lớn như thế nào.

 

Bố thí hay tặng những điều nho nhỏ và thường xuyên cho những người bên cạnh lại là việc gieo trồng tấm lòng rộng mở và an vui mà người sẵn lòng cho đi mới cảm nhận được. Như ly nước sẽ làm mát lòng chính người bưng uống vậy.

 

Sống trọn vẹn và thực hành bố thí là việc đoạn trừ sự luyến ái và những nuối tiếc, làm tăng trưởng tấm lòng vị tha, rộng lượng, từ đó khiến tâm luôn bình an, không kinh sợ và sẵn sàng đón nhận cái chết đến trong bất kỳ tình huống nào.

 

Tùy bút của Dhammacetiya Tình nguyện viên – TKHS (10/2024)

 

 

#buocchanhanhgia #dhammacetiya #tangkinhthanhdien #sbsstupas #pannakara #tuenhan #baothap #yagi #helene #milton #phuclanh

 

How do we prepare for our death