TRƯỞNG LÃO

Ngài Trưởng Lão Pháp Nhẫn (Bhikkhu Khanti Dhamma)

Ngài Trưởng Lão Pháp Nhẫn (Bhikkhu Khanti Dhamma)

Thế danh là Nguyễn Hữu Tăng, sanh ngày 19 tháng 11 năm 1940 tuổi canh thìn, tại làng Đạo Đầu, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Xuất gia tỳ-khưu: 15h, ngày 15/3/1963, tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng.
Thầy Tế độ: Ht. Giới Nghiêm.
Thầy Yết-ma: Đđ. Dũng Chí.
Gia nhập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam năm 1964.

Ông là đứa con áp cuối trong một gia đình có 7 người con trai và 1 người con gái. Thân phụ: Nguyễn Hữu Xướng, pháp danh Chân Tụng. Thân mẫu: Phạm Thị Quy, pháp danh Chơn Hướng. Tuy làm ăn lam lũ trong thời buổi chiến tranh khốc liệt, nhưng đều cho con cái ăn học tới nơi tới chốn. Tăng bẩm chất thông minh, có hiếu từ, nghĩa nhân từ nhỏ do truyền thống đạo đức gia đình. Lại còn do nhờ ông chú, em cha – Nguyễn Hữu Ba – là một trí thức Khổng Nho, có thêm tân học, có nghiên cứu Phật trong giai đoạn phục hưng các năm ông ở Huế; lại là một nhạc sĩ nổi danh đương thời nên đã tác động, lây lan ảnh hưởng đến tư cách của những người con trai mới lớn.
Năm 1950, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba mang cả gia đình vào Huế ở, thành lập Viện Tỳ Bà nhằm phục hưng Quốc nhạc Việt Nam; ông thuyết phục cả gia đình cho những người con trai vào Huế ăn học. Đến xứ sở mà Phật giáo đang phát triển rầm rộ, chú Ba dường như đã dẫn dắt tất cả mọi người theo Phật giáo Đại thừa.
Được học trường Bồ-đề, do thường xuyên tiếp xúc với các thầy, chúng điệu, Tăng có cảm tình với Phật giáo nên xin phép gia đình xuất gia tu học tại chùa Hải Đức. Năm 1960, chú Tăng học đệ tứ tại trường Hàm Long chùa Bảo Quốc. Còn Tặng, học xong đệ tứ trường Hàm Nghi phải trở lại quê nhà, học lớp đệ tam trường Nguyễn Hoàng.
Hôm kia, chú Tăng tình cờ thấy một người bán tranh ảnh Phật giáo, chú tò mò tới xem. Chợt chú chăm chăm nhìn vào tấm hình “Đức Phật ngồi nghiêng, khuôn mặt hiền từ, tỏa ánh hào quang sáng dịu dưới cội Bồ-đề, bên cạnh là con sông thanh bình, vắng lặng; và khu rừng bên sau có mấy chú nai đứng, nằm hồn nhiên, thanh thản…” Chú Tăng thấy trái tim mình xúc động mạnh. Như bắt gặp hình ảnh thiêng liêng nào đó từ xa xưa hiện về, chú vội vàng hỏi người bán tranh ảnh thì được biết, là họ có được từ cuộc lễ “của mấy ông Sư áo vàng chùa Tam Bảo, Đà Nẵng”.

Sau, tìm hiểu thêm thì biết ở Gia Hội cũng có “chùa áo vàng”, chú Tăng hỏi đường, đạp xe về chùa Tăng Quang. Năm ấy là cuối năm 1960, nhân ngài Ẩn Lâm vào Nam có việc, ngài Hộ Nhẫn từ đồi Quảng Tế về ở coi chùa. Được gặp Đại đức Hộ Nhẫn và trao đổi chuyện với ngài, hỏi giáo pháp nơi ngài, nghe nói là ba, bốn lần, chú Tăng mới “chịu thua”! Sau đó, sau nhiều lần quan sát, theo dõi, chú Tăng hoàn toàn bị thuyết phục bởi nụ cười hiền hòa dễ mến, bởi đời sống tri túc, dị giản, bởi hạnh trì bình khất thực của ngài…
Như đã quyết định, hôm kia, chú Tăng lên đảnh lễ Ôn Hải Đức và trình bày chí nguyện của mình là muốn được sang tu bên Phật giáo Theravāda. Tưởng là sẽ bị rầy la; nhưng mà không, Ôn Hải Đức yên lặng một hồi rồi nhè nhẹ gật đầu, mỉm cười.

Hôm chú Tăng đảnh lễ Ôn Hải Đức lên đường, Ôn còn ân cần tặng cho bốn câu thơ mà chú suốt đời không quên:
Thương con, thầy nhắc nhủ đôi câu
Đã học, học cho thấu đạo mầu
Khuya sớm dùi mài gươm trí tuệ
Đến ngày giải thoát hết lo âu!’

Vậy là chú Tăng vào Đà Nẵng, chùa Tam Bảo năm 1961, và chỉ mấy tháng sau là ngài Giới Nghiêm cho xuất gia sa-di. Năm sau nữa, 1963, thọ tỳ-khưu. Và trong các năm từ 1962 đến năm 1967, Đại đức đã vừa học Pàlì, giáo lý căn bản với Ngài Bổn Sư, vừa làm không biết bao nhiêu là công việc.

– Từ năm 1964 đến năm 1967, Đại đức như là một ngôi sao truyền giáo ở miền Trung. Nếu ngài Hộ Giác thuyết pháp lôi cuốn quần chúng, hấp dẫn mọi giới thì Đại đức Pháp Nhẫn cũng không thua kém gì. Ngoài Phật tử các giới tín mộ, Đại đức còn như thỏi nam châm thu hút hàng ngàn quân nhân Phật tử bên cạnh mình.
– Năm 1964 – 1965, Đại đức phải thường xuyên sinh hoạt ở chùa Tăng Bảo, Quảng Ngãi; và rồi sau đó một thời gian, ngài Giới Nghiêm đề cử Đại đức giám tự luôn cả chùa Tam Bảo, Đà Nẵng.
– Năm 1969, Đại đức được đi du học tại đại học Nava Nālanda Ấn Độ (BC* Nālanda mà ngài Huyền Trang học, nay là chỗ du lịch. Còn Nava Nālanda mới xây là Viện Đại Học Phật Giáo mà chư Tăng các nước đến học). Đại đức đã đậu Pālī Ācariya và M.A tại Đại Học này.
Cuối năm 1975, Trưởng lão đậu bằng Tiến sĩ ở Đại học Magadha gần Bodh-Gaya. Lúc ấy, được tin có một chiếc tàu lớn đưa đồng bào Việt tỵ nạn nước ngoài bị trôi lạc tới cảng Madras, miền Nam Ấn Độ, Trưởng lão liền đi tàu hỏa suốt đêm để đến thăm đồng bào và lập đạo tràng Vạn Hạnh tại nhà cụ Tôn Thất Tùng để thuyết pháp và an ủi mọi người trong cơn hoạn nạn; rồi sau đó, Trưởng lão hướng dẫn một số Phật tử đến văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc để xin định cư ở các nước thứ ba.
Cuối năm 1976, Trưởng lão sang Pháp ở chùa Kỳ Viên với Sư
Đức Minh. Và thế là mỗi thứ bảy và chủ nhật, Trưởng lão đều thuyết pháp đến chư Phật tử. Sau đó không bao lâu, Trưởng lão vận động Việt kiều thành lập Hội Phật Giáo Nguyên Thủy đầu tiên ở Pháp (Association Culturele Bondhique Theravada). Trưởng lão giữ chức Hội trưởng danh dự, đạo hữu Nguyễn Văn Lễ giữ chức Hội trưởng, đạo hữu Lý Trưởng giữ chức Tổng thư ký – và sau này ông ta xuất gia với một Thiền sư Miến Điện có pháp danh Thiện Thắng. Và khi đủ duyên lành, Sư này đã thành lập được một Trung tâm Thiền ở thành phố Fontainebleau gần Paris trên một ngọn đồi rất đẹp…
Ngày 24 tháng 1 năm 1980, Trưởng lão sang Hoa Kỳ ở tại một ngôi nhà cũ mới mua. Rồi Trưởng lão và một số ít đạo hữu sơn phết, dọn dẹp sạch sẽ và lập nên Tự viện Liên Hoa. Mỗi chủ nhật, Phật tử đến tụng kinh, nghe pháp ngày càng đông nên Trưởng lão lập ra Hội Phật Giáo Dallas Fort Worth (Dallas FortWorth Buddhist Association). Trưởng lão được bầu làm Hội Trưởng và Viện chủ Tự viện. Phật sự đa đoan, Phật tử mới qua còn nghèo nên công tác xây cất gặp nhiều khó khăn nhưng từ từ cũng xây được tăng xá, chánh điện, hội trường và điện Phước Lạc thờ phụng hương linh, ký tự hài cốt, bãi đậu xe rộng rã.v.v.
Đặc biệt 1985, Trưởng lão cung thỉnh chư Tăng Ni về Liên Hoa họp để thành lập Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam hải ngoại (Vietnamese Theravada Buddhist Sangha Congregation). Chư Tăng Ni bầu ngài Hộ Giác làm Tăng thống, Trưởng lão làm Phó Tăng thống. Phật tử rất hoan hỷ.

Từ năm 1980 đến 1995, Trưởng lão được mời thuyết pháp ở nhiều thành phố trong Texas và nhiều tiểu bang khác. Sau nhiều lần thuyết pháp, đa số Phật tử muốn lập chùa nên Trưởng lão đã có công đóng góp rất lớn trong việc thành lập chùa Bửu Môn (Beaumont – Texas), chùa Vạn Phước (Vichita Falls – Texas), chùa Long Vân (Orlando – Florida), chùa Bảo Quang (San Antonio – Texas), chùa Tam Bảo (Baton Rouge – Louisiana), chùa Phổ Minh Fort Smith – Arkansas), chùa Hương Đạo (Fort Worth – Texas), chùa Đạo Quang (Garland – Texas), chùa Mahāmuni cho Phật tử Thái – Lào – Việt (Arlington – Texas)… Trưởng lão cũng bảo lãnh cho sư Sīḷānanda người Miến Điện xin tị nạn chính trị ở Mỹ – xin về Tự Viện Liên Hoa rồi giúp cho Sư ấy thành lập chùa Miến Điện (Fort Worth – Texas). Chư Tăng trong Giáo hội thường đến thuyết pháp và được thỉnh làm chủ trì các chùa đã thành lập.
Công đức của Trưởng lão quả là vĩ đại như đã nêu trên, ngoài ra, Trưởng lão đã cho xuất gia và truyền giới tỳ-khưu cho quý Sư Chánh Định, Sư Chánh Niệm, Sư Giác Chánh, Sư Thiện Tuệ, sa-di Chánh Minh, sa-di Pháp Tịnh, quý Sư cô Trí Hạnh, Sư cô Trí Niệm, Sư cô Trí Minh và Sư cô Trí Hiếu…

Năm 1988, để giúp đỡ các chùa trong nước đang gặp khó khăn, Trưởng lão đã thành lập Ban Từ thiện Phước Duyên do Sư cô Trí Hạnh làm Trưởng ban đã giúp đỡ cho nhiều nơi ở trong nước đang trong hoàn cảnh khó khăn. Được biết đến, đó là thiền viện Viên Không, Tổ đình Bửu Long, Ni viện Bửu Long, Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa, Huyền Không Sơn Thượng, Huyền Không Sơn Trung, chùa Phật Bảo, chùa Tam Bảo Đà Nẵng, chùa Giác Viên, chùa Thái Bình và nhất là Ni viện Tịnh An Lan Nhã. Giúp đỡ chư Tăng Ni du học hải ngoại…
Ban Từ thiện Phước Duyên do Sư cô Trí Hạnh làm Trưởng ban vẫn sinh hoạt liên tục cho đến ngày hôm nay.
Năm 2012 Đại lão Hòa thượng Tăng thống Hộ Giác viên tịch tại chùa Pháp Luân, Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam hải ngoại và chư Tăng Ni đã bầu Trưởng lão lên làm Tăng thống. Chư Tăng Ni trong Giáo hội luôn đoàn kết chặt chẽ để tiếp tục sứ mạng hoằng pháp lợi sanh tại Hoa Kỳ.

******************************************************